Rối loạn cảm xúc
Trẻ đang độ tuổi dậy thì thường nhạy cảm hơn, cảm xúc dễ thay đổi hơn. Rối loạn cảm xúc xảy ra khi có sự rối loạn não bộ, gây bất ổn về tinh thần như dễ chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, thoắt buồn, thoắt vui.
Stress và trầm cảm
Tuổi dậy thì cũng là lứa tuổi chịu nhiều áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè... Thậm chí nhiều trẻ đã hình thành những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng, trình độ của bản thân, các mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình... lâu ngày dẫn đến stress.
Trầm cảm có thể là hội chứng tâm lý tuổi dậy thì, đây là một rối loạn tâm thần dễ mắc phải do sự thay đổi hormone trong cơ thể, do áp lực từ xung quanh, việc học hành, áp lực từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc từ các chất kích thích mà trẻ tập tành tìm hiểu...

Rối loạn tâm lý - hành vi
Nhiều trẻ hình thành ý nghĩ mình kém cỏi, tự ti và mất bình tĩnh khi bước vào độ tuổi dậy thì. Tâm lý tự ti dần dần khiến trẻ e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ và hay nghi ngờ khả năng của bản thân. Tự ti sẽ khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi, thừa cân... lâu ngày sẽ mắc các hội chứng tâm lý khác như: trầm cảm, hoang tưởng...
Rối loạn ăn uống
Trẻ có thể bị ám ảnh về hình ảnh cơ thể, dẫn đến mong muốn sụt cân nhanh, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ trẻ biếng ăn, né tránh việc ăn uống hoặc một số trẻ lại ăn vô độ.
Lạm dụng thuốc lá và các chất có thể gây nghiện
Trẻ vị thành niên thường rất thích thử hút thuốc, thử uống rượu bia, thậm chí là sử dụng ma túy, chất kích thích như một “liều thuốc chứng tỏ bản thân”.