Tôi quan niệm “thái độ quan trọng hơn trình độ” cho nên khi tuyển dụng, tôi hay chú ý quan sát cử chỉ, hành vi của người ứng tuyển hơn là bằng cấp. Bởi tôi xác định, khi mình rao tuyển nhân sự, mình đã có những yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm, tuổi… Khi các bạn nộp hồ sơ vào rồi, đương nhiên các bạn đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Cho nên vào buổi phỏng vấn, tôi chỉ cần xem thái độ các bạn thế nào, có phù hợp với văn hóa công ty không?
Các buổi tuyển dụng, tôi hay có một vài “chiêu” để đánh giá ứng viên. Có lần, vào buổi hẹn phỏng vấn, trước giờ hẹn các bạn đến, tôi vặn van nước ngoài sân văn phòng để chảy lan ra ngoài sân, giống như ai đó dùng xong quên khóa lại. Tới giờ hẹn, lần lượt 10 ứng viên đến, các bạn có khoảng 10 phút để quan sát văn phòng, cả bên trong lẫn bên ngoài, vậy mà không bạn nào chịu khóa cái van nước lại, mặc kệ để cho nước chảy lênh láng. Khi được hỏi “Em có thấy cái van nước chảy ngoài kia không?”, tất cả các bạn đều bảo có nhưng đồng loạt trả lời “Em nghĩ chuyện đó của cô lao công hoặc bác bảo vệ đang làm dở nhưng quên khóa…”. Tôi lại tiếp tục hỏi “Tiền nước có phải do công ty trả không?”, các bạn đồng ý là do công ty trả. Tôi giải thích thêm: “Nếu không phải là nước, mà tất cả các nguồn lực khác của công ty bị lãng phí như vậy, em không quan tâm vì nghĩ đó không phải là việc của mình, như vậy hậu quả sẽ ra sao?”.
Có lần, một ứng viên đã qua vòng phỏng vấn với vị trí là trợ lý giám đốc, làm việc trực tiếp với tôi. Ngày đầu tiên đi làm, tôi đề nghị bạn đến công ty để thử việc. Cả buổi sáng, tôi chưa đến công ty, bạn cũng ngồi yên tại chỗ. Tôi được trưởng phòng nhân sự báo lại: “Được chị thông báo, em đã nói chuyện với bạn ấy. Đề nghị bạn ấy làm một số việc ở văn phòng khi giám đốc chưa đến, thế nhưng bạn ấy từ chối và khẳng định luôn “tôi chỉ làm việc với giám đốc vì tôi là trợ lý giám đốc”. Nghe bạn ấy trả lời vậy, trưởng phòng nhân sự đành “thả tay” với bạn ấy. Sau việc đó, tôi không tuyển bạn ấy nữa vì một người không có tinh thần tập thể, không biết chia sẻ công việc với đồng nghiệp thì về lâu dài sẽ rất khó để có thể hợp tác với anh chị em khác.
Có nhiều lần tôi cũng sốc, khi từ chối các hồ sơ qua email hoặc từ chối các bạn tại các cuộc phỏng vấn trực tiếp. Có một lần, tôi từ chối một email của ứng viên rằng: “Cảm ơn bạn đã quan tâm đến công ty nhưng rất tiếc là chuyên môn của bạn chưa phù hợp với vị trí tuyển dụng”. Email vừa gửi đi, ngay lập tức tôi bị bạn “dội” lại: “Xin lỗi chị. Chị tưởng công ty của chị ngon lắm hay sao mà chuyên môn tôi chưa phù hợp. Quy mô thì nhỏ mà bày đặt làm cao”.
Tôi hơi ngạc nhiên và có sốc nhưng vẫn chịu khó ngồi viết cho bạn một email giải thích. Các bạn không hiểu rằng, nếu lần này các bạn không phù hợp nhưng rất có thể phòng nhân sự đã lưu hồ sơ của bạn để khi có vị trí phù hợp, họ có thể gọi ngay. Hoặc bây giờ, với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, email trả lời của bạn được đưa lên Facebook, sẽ rất khó để nhà tuyển dụng tin tưởng bạn, chưa kể, các doanh nghiệp đều có hiệp hội, hội nhóm, những nhân viên, ứng viên nào quá đáng, họ thường chia sẻ với nhau để tránh… Cho nên, các ứng viên, dù có trúng tuyển hay không, hãy cứ ứng xử khéo léo và thông minh. Đó là tôn trọng người khác và cũng chính là tôn trọng và mở ra cơ hội cho mình về sau.