Nữ “phu đò” trên bến Tràng An

Thùy Hương |

Mỗi ngày, vào mùa cao điểm có hàng ngàn du khách đến tham quan danh thắng Tràng An. Để vào được những Đền Trình, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu,…du khách phải ngồi trên những con đò do những nữ “phu đò” đảm nhận. Dù công việc khó khăn, vất vả, luôn đối mặt với những tai nạn sông nước, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các phu đò vẫn phải chấp nhận.

Hết ruộng, đi… "phu đò"

Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhiều du khách khi đến với Tràng An đã ngây ngất trước cảnh non sông nước biếc, núi non hùng vĩ.

Dù vậy, Tràng An mùa này khá vắng khách, trái ngược hẳn với không khí nhộn nhịp sau Tết Nguyên đán. Dù vậy, mỗi ngày vẫn có cả trăm lượt khách đến tham quan và du ngoạn. Từ khách trong tỉnh, ngoại tỉnh đến những vị khách mang quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc rồi những ông Tây đeo ba lô, ai cũng háo hức mong một lần được khám phá danh thắng này.

Chúng tôi đến Tràng An khi đã xế trưa. Sau khi mua vé, chúng tôi ra bến đò Tràng An. Tại bến đò, hàng trăm phu đò đang lúi húi làm việc, người thì dọn dẹp, người mở cặp lồng lấy cơm ăn, có người tranh thủ nghỉ trưa,… 

 
 

Trên con đò nhỏ đậu gần bờ, chị Nguyễn Thị Nga (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), lấy cơm trong chiếc cặp lồng để ăn trưa. Bữa cơm chỉ có vài miếng thịt kho, chút dưa muối và hộp canh nhưng chị ăn ngon lành. Thấy có khách xuống đò, chị bỏ dở rồi nhanh miệng mời khách. Sau khi ổn định chỗ ngồi, chiếc thuyền rời bến, đôi tay chị khua mái chèo nhịp nhàng. Con đò nhỏ lướt nhẹ trên dòng suối Ngọc Bích hòa vào quần thể non nước hang động của Khu du lịch sinh thái Tràng An. Sau hơn 3 tiếng, chị Nga lần lượt đưa chúng tôi tham quan hang Địa Linh, Đền Trình, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, Đền Trần, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt…. rồi lại trở về với bến đò. Đến nơi nào, chị cũng giới thiệu truyền thuyết, những địa danh lịch sử mang dấu ấn Tràng An.

Trước đây, thu nhập của gia đình chị Nga cũng như hàng ngàn phu đò khác đều trông vào nông nghiệp. Nhưng từ ngày chính quyền địa phương thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển du lịch trong tỉnh, chị không còn việc làm. Không thể ngồi nhà mãi, chị nộp đơn rồi được nhận vào làm tại Tràng An.

Hàng ngày, chị dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn sáng, cho con đến trường rồi xách chiếc làn đi làm. Khoảng 7h30, chị cùng những phu đò khác xếp hàng ở bến, chờ đón khách du lịch lên thuyền. Khi chở khách đến các địa điểm trong khu du lịch, những người lái đò có được ít phút nghỉ ngơi, họ tranh thủ uống nước để có sức tiếp tục cuộc hành trình đưa du khách khám phá. Kết thúc một hành trình, các lái đò đưa thuyền về bến xếp hàng theo lượt. Chiều muộn họ dọn dẹp sạch sẽ lại chiếc thuyền và trở về.

Theo chị Nga, thu nhập của những phu đò như chị không có lương cố định mà phụ thuộc vào số chuyến đò chở được trong ngày. Theo đó, mỗi chuyến đò, chị được trả công 200.000 đồng.  Ngày nào đông khách thì được chở 2 chuyến, ngày nào ít thì được 1 chuyến. Tuy nhiên, do Tràng An có tới 1.500 thuyền, chủ thuyền chia chuyến cho từng người lần lượt theo thứ tự, nên hầu hết mỗi phu đò chỉ được 1 chuyến/ngày còn những người được 2 chuyến/ngày thì rất ít. Đó là mùa du lịch, còn vào mùa đông, có khi vài ngày mới được một chuyến. Vì thế, thu nhập của chị không ổn định, dao động từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng. “Công chèo đò chẳng được bao nhiêu, những tháng ít khách như thế này may ra cũng chỉ được vài ba triệu. Được đồng nào lại dành dụm chi tiêu cho cả gia đình”, chị Nga nói.

Hầu hết, các nữ "phu đò" ở Tràng An thuộc hai xã Ninh Xuân và Trường Yên (huyện Hoa Lư). Trước đây, những gia đình này đã phải nhường đất nông nghiệp cho các dự án trong tỉnh, số tiền được bồi thường chẳng đáng là bao. Trong khi đó, địa phương không có nghề phụ hoặc có thì thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Vì thế, thanh niên trai tráng thì lên thành phố tìm việc làm, lao động trung niên thì xin làm phu đò ở Tràng An.

Quần thể danh thắng Tràng An.
Quần thể danh thắng Tràng An.

Gian nan mấy ai hiểu

Danh thắng Tràng An có tới 48 hang động lớn nhỏ, để đưa khách đi tham quan hết, mỗi phu đò phải mất từ 3 tiếng đến 4 tiếng. Trong khi đó, phần lớn các phu đò đều là phụ nữ trung tuổi, còn công việc đòi hỏi nhiều thể lực. Chị Lê Thị Vân, một lái đó cho biết, người ngoài tưởng lái đò là dễ, nhưng kỳ thực rất khó. Theo đó, để được lái đò ngoài việc được công ty nhận, những nữ lao động phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ rồi mới được hành nghề. Bên cạnh đó, những nữ lái đò ở đây cũng thường xuyên phải trao dồi nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp. Để khi lái đò chở du khách đi tham quan Tràng An, họ vừa chèo đò vừa kiêm luôn là một hướng dẫn viên giới thiệu về các điểm đến, di tích nổi bật trong chuyến hành trình.

Chị Vân cũng cho biết, chèo đò là công việc vất vả và nguy hiểm. Khi thuyền đi sâu vào trong các hang, vượt qua cả rừng nhũ đá đâm tua tủa, việc bảo đảm an toàn cho khách, cho bản thân phu đò là việc không hề đơn giản. Một lần, chị Vân chở một đoàn khách 5 người đi tham quan, trong đó có có 3 em tầm 15-16 tuổi và 2 người lớn. Các em vốn hiếu động, nghịch ngợm rồi té nước trêu nhau. Bất ngờ, con thuyền chòng chành rồi bị lật. Thấy vậy, 2 người khách ôm lấy 2 em, còn 1 bạn nữ không biết bơi chới với giữa dòng. Nhanh như cắt, chị lao tới túm lấy bạn nữ, nhẹ nhàng  dìu vào bờ và làm các thao tác cấp cứu tại chỗ. Một lúc sau, cô bé tỉnh dậy, mấy bạn đi cùng chỉ biết lý nhí xin lỗi, chị Vân kể.

Những khi đò ngược gió, phải dùng hết sức để chèo. Mấy hôm đầu đi làm chưa quen, tối về toàn thân phu đò đau ê ẩm, tay chân mỏi nhừ. Sáng ra không muốn dậy. Rồi nhiều khi đang ngoài nắng, thuyền vào trong hang lạnh đột ngột, nhiều phu đò không quen đã ngất vì mệt. Nhưng chưa sợ bằng chèo đò trong hang. Hang tối, lại hẹp, thạch nhũ lởm chởm, có hang dài tới cả trăm mét nên người chèo đò phải lách qua thạch nhũ, đá ngầm để không bị thủng thuyền. Đồng thời, phải căng mắt quan sát để thông báo cho khách đến đoạn nào phải cúi xuống để tránh va vào thạch nhũ. Chuyện hai đò đi ngược chiều nhau trong hang tối, thì những cú tránh va chạm là không tránh khỏi, chị Tình, một phu đò góp chuyện. “Ngày nào về, chúng tôi cũng đau nhức tay, vai và lưng đến mức tưởng sáng mai không thể đi làm được nữa nhưng rồi nghĩ đến việc kiếm tiền lo cho các con ăn học lại có thêm động lực. Mình không có tiền, không có ruộng đất để làm nông thì còn biết làm gì nữa”, chị Tình chia sẻ.

Nói đến chuyện “bo”, các phu đò nhìn nhau rồi thở dài, bởi đâu phải chuyến nào cũng được “bo”. Chị Nga bảo, hành trình chèo mỗi chuyến đò cả đi và về là 16km, nếu đoàn khách nào “thương” thì “bo” cho phu đò 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. Đoàn nào khách “sộp” thì “bo” 200.000 đồng, ai được chừng ấy thì mừng quýnh lên. Hầu hết, các thuyền được “bo” là có khách du lịch người Việt, còn các đoàn khách nước ngoài, rất ít khi họ “bo” bởi họ cho rằng mọi chi phí đã tính vào giá vé. Các phu đò cũng chẳng dám xin hay đòi hỏi bởi nếu khách phản ánh lên bến là bị phạt ngay, thậm chí cho thôi việc.

Theo Ban quản lý khu danh thắng Tràng An, hiện bến đò Tràng An có khoảng 1.500 lao động làm phu đò với gần 2.000 thuyền. Hầu hết, các phu đò đến từ các vùng lân cận khu di tích. Các phu đò được chia thành 28 tổ, mỗi tổ từ 20 đến 45 người, trong đó có tới 80% lao động là phụ nữ. Dù công việc khó khăn, vất vả nhưng vì mưu sinh, các phu đò vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Đồng thời, làm bổn phận nghiệp dư của một hướng dẫn viên du lịch, đưa cảnh đẹp của quê hương mình “sải cánh” mênh mang trong lòng du khách.  

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa.

Thùy Hương
TIN LIÊN QUAN

Bừng sáng thung lũng Tà Lọt

Lâm Điền |

Nằm lọt giữa hai dãy núi lớn nhất tỉnh An Giang là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Núi Dài (huyện Tri Tôn), Tà Lọt được biết đến như thung lũng “thâm sơn cùng cốc”. Vì vậy mà dù đã hình thành đơn vị hành chính ấp hẳn hoi, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều cái “không”: Không nước sạch, không trạm xá và không luôn cả điện lưới... Người dân Tà Lọt sống trong tù mù như chính ánh sáng từ chiếc đèn dầu chong đêm... Thế rồi như chuyện cổ tích, chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy bừng sáng...

Hỗ trợ người dân 12 tỷ đồng do thiệt hại cá chết trên sông La Ngà

HÀ ANH CHIẾN |

Ngày 29.11, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết trên sông La Ngà vào tháng 5.2018.

Nếu bị bạo hành, chị em hãy mạnh dạn nói ra!

LÊ AN NHIÊN |

Nhiều chị em cán bộ, công nhân viên lao động bị chồng bạo hành bằng nhiều hình thức nhưng lại cố chịu đựng. Nhiều trường hợp bị bạo hành suốt thời gian dài nhưng họ không nghĩ đó là bạo hành vì với nhiều chị em, chỉ khi nào bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mới gọi là bạo hành.

Nghệ nhân trăn trở về sự mai một của tranh Hàng Trống

Anh Nhàn |

Sáng 10.11, ông Lê Đình Nghiên, một trong số ít nghệ nhân của tranh Hàng Trống đã mang hơn 30 bức tranh tới TP.HCM trong khuôn khổ chương trình “Cảm hứng từ nghệ thuật dân gian: Những góc nhìn tranh Hàng Trống”.

Bừng sáng thung lũng Tà Lọt

Lâm Điền |

Nằm lọt giữa hai dãy núi lớn nhất tỉnh An Giang là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Núi Dài (huyện Tri Tôn), Tà Lọt được biết đến như thung lũng “thâm sơn cùng cốc”. Vì vậy mà dù đã hình thành đơn vị hành chính ấp hẳn hoi, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều cái “không”: Không nước sạch, không trạm xá và không luôn cả điện lưới... Người dân Tà Lọt sống trong tù mù như chính ánh sáng từ chiếc đèn dầu chong đêm... Thế rồi như chuyện cổ tích, chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy bừng sáng...

Hỗ trợ người dân 12 tỷ đồng do thiệt hại cá chết trên sông La Ngà

HÀ ANH CHIẾN |

Ngày 29.11, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết trên sông La Ngà vào tháng 5.2018.

Nếu bị bạo hành, chị em hãy mạnh dạn nói ra!

LÊ AN NHIÊN |

Nhiều chị em cán bộ, công nhân viên lao động bị chồng bạo hành bằng nhiều hình thức nhưng lại cố chịu đựng. Nhiều trường hợp bị bạo hành suốt thời gian dài nhưng họ không nghĩ đó là bạo hành vì với nhiều chị em, chỉ khi nào bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mới gọi là bạo hành.

Nghệ nhân trăn trở về sự mai một của tranh Hàng Trống

Anh Nhàn |

Sáng 10.11, ông Lê Đình Nghiên, một trong số ít nghệ nhân của tranh Hàng Trống đã mang hơn 30 bức tranh tới TP.HCM trong khuôn khổ chương trình “Cảm hứng từ nghệ thuật dân gian: Những góc nhìn tranh Hàng Trống”.