Theo Cổng thông tin UBND thành phố Hà Nội, các điểm đo đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, lúc 9h30 phút sáng 8.1, điểm đo ở Chi cục Bảo vệ môi trường cho AQI là 28; Hoàn Kiếm AQI 13; Thành Công AQI 32; Kim Liêm AQI 11; Tây Mỗ AQI 20; Mỹ Đình AQI 19...
Còn theo ứng dụng IQAir (AirVisual), chỉ số chất lượng không khí cũng ở mức màu xanh - tốt cho sức khỏe.
Ứng dụng Pam Air cũng cho kết quả tương tự, điển hình ở Ngã Tư Sở AQI là 7; Lương Thế Vinh (Nam Từ Liêm) AQI 6; Vĩnh Hưng (Hoàng Mai) AQI 8.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã có văn bản số 53/UBND-ĐT về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn thành phố.
Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã ra quân từ đầu năm 2021. Kiểm tra, đôn đốc các quận huyện vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, tiến tới loại bỏ hoàn toàn.
Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các Sở ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí. Lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí.
Chủ động đưa tin chỉ số chất lượng không khí trên các bản tin vào các khung giờ sáng, trưa, tối trong các ngày chất lượng không khí ở mức xấu có hại cho sức khỏe. Từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa tác động của ô nhiễm không khí.
UBND TP cũng giao Công an TP tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng. Trong đó tập trung vào các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel. Xử lý các phương tiện không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.