Suối nguồn chảy mãi

Mai Hạnh |

Em tôi 25 tuổi, kỹ sư xây dựng, con trai duy nhất của ba mẹ tôi. Cậu gần như là con “cầu tự” của gia đình sau bốn chị gái “vịt giời”.

Từ nhỏ cậu đã quen được cha mẹ và các chị cưng chiều, ưu tiên, nhường cho những gì tốt đẹp nhất. Có lẽ vì vậy mà cậu có phần... lười và ích kỷ của một đứa con trai "độc đinh" được cưng như trứng. 

Cậu thường thức dậy lúc 7 giờ sáng. Chưa dậy ngay mà cậu còn ngáp ngắn ngáp dài chán chê. Mẹ tôi thường hỏi han săn đón: “Dậy đánh răng đi con. Con ăn gì mẹ làm, bánh mì trứng ốp la nhé!”. Cậu vừa ngáp vừa làu bàu: “Ăn gì cũng được mà mẹ”. Mẹ tôi lật đật đi làm trứng gà ốp la cho quý tử. Tôi ngứa mắt, bực bội: “Nó muốn ăn gì kệ nó, mẹ già rồi việc gì phải săn đón. Nó phải hỏi mẹ ăn gì rồi làm cho mẹ mới đúng chứ. Nó mà là con trai con á, con lôi cổ dậy, oánh chít. Mẹ làm hư nó!».

Mẹ tôi thanh minh như có lỗi: "Mẹ không làm thì nó lại bỏ bữa sáng mất con ạ. Con không thấy nó gày còm ốm yếu do ít quan tâm ăn uống đúng giờ đó sao!". Tôi suýt phì cười vì sự "gày còm ốm yếu" của cậu em nặng 75kg, cao 1m80. Đúng thật là trong mắt mẹ, đứa con nào cũng mãi thơ bé, dù nó có "già" bao nhiêu tuổi đi nữa. Nhìn phòng riêng của em trai luôn bừa bãi, giày tất mỗi thứ một nơi, quần áo thay ra vứt trên giường, dưới đất, tôi thường cáu kỉnh la em rồi lại cằn nhằn mẹ "Con hư tại mẹ". Mẹ tôi lại cười cười thanh minh, rồi chua thêm một câu "Ừ, để khi nào con có con rồi biết". 

Rồi tôi có gia đình, lần lượt sinh hai đứa con. Sau những tháng năm vất vả nuôi con, tôi mới nhận ra, thấy mình chẳng khác gì mẹ. Sáng nào tôi cũng vài lần gọi: "Hai em cu của mẹ dậy đi học nào!", chúng vặn vẹo ngọ nguậy chán chê trên giường rồi mới dậy. Có hôm tôi còn nặn sẵn kem đánh răng vào bàn chải cho con, không ngừng hối thúc chúng thay quần áo, uống sữa cho kịp giờ đến trường. Trưa chiều tôi luôn hỏi các con: "Ăn gì mẹ làm?", "Ráng ăn hết chén cơm đi, uống nước cam không mẹ pha?"…

Rồi hai thằng con lại phụng phịu, eo sách ăn cái này, không ăn cái kia. Có khi bữa sáng, nhà có 4 người, mỗi người ăn một món. Chỉ khác mẹ tôi là tôi thường quạu hoặc quát tháo, rồi mới thực hiện "yêu sách" của con. Thấy các con ăn hết, khen món mẹ làm ngon là tôi vui sướng lắm. Hết hơi khản cổ dạy con phải gấp mền gối sau khi ngủ dậy, thay quần áo phải bỏ máy giặt, chúng làm một, hai lần rồi đâu vào đấy, mụ mẹ là tôi lại "nhẫn nhục" đi sau lượm lặt, gấp gáp lại. Chứng kiến những điều ấy, mẹ tôi cười hả hê như ... trả được thù: «Đấy, nói ai. Con hư tại ai?". Tôi cãi: "Lịch sử 4000 năm cũng nói "cháu hư tại bà, bà nhé!". Rồi hai mẹ con cùng cười.

Mới đây, em trai tôi có con, nhìn em cuống quýt, vụng về bế đứa con đầu lòng với niềm vui sướng khôn tả, mẹ tôi rưng rưng cảm động. Bà nựng nịu cháu nội, mắng yêu: "Nó giống hệt thằng cha nó ngày xưa, cái mỏ nhọn háu ăn này nè!". Nhìn mẹ bế ẵm, nâng niu cháu nội, y hệt hai mươi mấy năm trước mẹ bế ẵm em trai tôi, cả niềm hạnh phúc tràn trề trong mắt bà khi ngắm nhìn cháu, hình ảnh thu nhỏ của con trai bà ngày xưa. 

Từ ngày có con, em trai tôi như trở thành một người khác. Em quan tâm chăm sóc vợ, đi làm về là giành bế con, ru con ngủ, chia sẻ với vợ việc nhà, thức đêm chăm con. Người bố hôm nay và hình ảnh cậu trai lười biếng, hay nhõng nhẽo mẹ ngày xưa khác nhau một trời một vực. Cậu cũng quan tâm chăm sóc mẹ tận tuỵ, dịu dàng hơn. Dường như chỉ khi có con, thương yêu con vô bờ bến, chúng ta mới thực sự hiểu tình yêu và nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, đã nỗ lực cả cuộc đời để nuôi dạy ta khôn lớn. "Nước mắt chảy xuôi", tình yêu ruột rà ấy như suối nguồn chảy mãi...  

Mai Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Ngắm nhìn bộ ảnh cưới đẹp như mơ của cặp đôi Việt sống tại Paris

M. K |

Sau 4 năm thăng trầm yêu đương, chú rể Lê Nguyên Linh (nickname là Linh Lê Paris) và cô dâu Lương Yến Nhi đã có cái kết đẹp là một đám cưới ấm áp tại thủ đô Paris vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Được biết, chú rể hơn cô dâu 6 tuổi và theo nhận xét của bạn bè thân thiết thì hai người cực kỳ xứng đôi.

Đâu mới là điều quan trọng nhất?

Lê Thị Ngọc Vi |

Từ phương xa, chị bạn kể: sau khi xoay sở để đưa cả nhà sang Úc, vợ chồng chị đã phải làm việc cật lực để trang trải mọi chi phí cho cuộc sống mới nơi xứ người.

Con học xa

Lê Thị Ngọc Vi |

Khi xã hội đã tiến bộ đến mức chóng mặt, việc nâng cao kiến thức để có thể hòa nhập giữa thế giới phẳng trở thành một áp lực hơn bao giờ hết nếu không muốn bị tụt lại phía sau hoặc xa hơn nữa, để trở thành công dân toàn cầu mang quốc tịch Việt Nam như cách nói của những người đã hoặc đang dự định cho con du học. 

Vỏ bọc hạnh phúc

Lê Thị Ngọc Vi |

Đừng tưởng chỉ có đàn ông mới chán vợ, đàn bà bây giờ chán chồng đầy ra đấy, chẳng qua họ không nói ra thôi! Đó là kết luận hùng hồn của Nhã, cô bạn tôi quen trong một chuyến du lịch.

Ngắm nhìn bộ ảnh cưới đẹp như mơ của cặp đôi Việt sống tại Paris

M. K |

Sau 4 năm thăng trầm yêu đương, chú rể Lê Nguyên Linh (nickname là Linh Lê Paris) và cô dâu Lương Yến Nhi đã có cái kết đẹp là một đám cưới ấm áp tại thủ đô Paris vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Được biết, chú rể hơn cô dâu 6 tuổi và theo nhận xét của bạn bè thân thiết thì hai người cực kỳ xứng đôi.

Đâu mới là điều quan trọng nhất?

Lê Thị Ngọc Vi |

Từ phương xa, chị bạn kể: sau khi xoay sở để đưa cả nhà sang Úc, vợ chồng chị đã phải làm việc cật lực để trang trải mọi chi phí cho cuộc sống mới nơi xứ người.

Con học xa

Lê Thị Ngọc Vi |

Khi xã hội đã tiến bộ đến mức chóng mặt, việc nâng cao kiến thức để có thể hòa nhập giữa thế giới phẳng trở thành một áp lực hơn bao giờ hết nếu không muốn bị tụt lại phía sau hoặc xa hơn nữa, để trở thành công dân toàn cầu mang quốc tịch Việt Nam như cách nói của những người đã hoặc đang dự định cho con du học. 

Vỏ bọc hạnh phúc

Lê Thị Ngọc Vi |

Đừng tưởng chỉ có đàn ông mới chán vợ, đàn bà bây giờ chán chồng đầy ra đấy, chẳng qua họ không nói ra thôi! Đó là kết luận hùng hồn của Nhã, cô bạn tôi quen trong một chuyến du lịch.