PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Áp xe cạnh hậu môn là một ổ nhiễm khuẩn có chứa mủ nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Rò hậu môn thường hình thành từ những ổ áp xe cạnh hậu môn cũ hoặc mới, thường xuất hiện ở 50% bệnh nhân có áp xe cạnh hậu môn.
Người bình thường có các tuyến bã nằm rải rác trong ống hậu môn. Có những khi các tuyến bã này bị bít tắc và nhiễm khuẩn rồi hình thành một ổ áp xe. Đường rò hậu môn là một đường hầm nằm dưới da và thông từ ổ áp xe tới tuyến bã bị nhiễm khuẩn. Đường rò hậu môn có thể xuất hiện cùng với áp xe hoặc không và có thể thông với da vùng mông (da xung quanh hậu môn). Một số bệnh khác như xạ trị sau mổ ung thư, chấn thương vùng hậu môn và ung thư hậu môn trực tràng cũng có thể gây nên bệnh rò hậu môn.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, áp xe cạnh hậu môn thường xuất hiện sau khi tuyến bã ở trong hậu môn bị nhiễm trùng. Các tuyến bã ở trong hậu môn bị bít tắc bởi vi khuẩn, phân, dị vật và tạo thành môi trường để hình thành ổ áp xe. Những ổ áp xe này sẽ phá dần ra ngoài và hình thành các đường rò thông từ tuyến bã bị nhiễm trùng (lỗ trong của đường rò) với da bên ngoài hậu môn (lỗ ngoài của đường rò). Hiện tượng hình thành đường rò này thường xảy ra ở 50% bệnh nhân có ổ áp xe cạnh hậu môn. Khi đã hình thành đường rò rồi, mà lỗ ngoài liền lại (đóng lại) thì hiện tượng áp xe sẽ lại xuất hiện.
Áp xe và rò hậu môn là 2 giai đoạn của một bệnh lý bắt nguồn từ nhiễm khuẩn của tuyến bã (Hermann – Desfosses) ở hốc hậu môn tạo thành ổ mủ (áp xe) nằm ở cạnh hậu môn hoặc trực tràng. Ổ áp xe hoặc tự vỡ hoặc dẫn lưu không tốt sẽ tạo thành đường rò hậu môn là một đường hầm thông từ tuyến bã bị nhiễm khuẩn với lỗ rò dịch mủ ở ngoài da cạnh hậu môn.
Khi xuất hiện ổ áp xe cạnh hậu môn bệnh nhân có thể thấy đau, đỏ, sưng, ở vùng xung quanh hậu môn. Mệt mỏi, sốt nóng, sốt rét cũng thường xảy ra. Ở những bệnh nhân bị rò hậu môn cũng có những dấu hiệu và triệu chứng tương tự, tuy nhiên có thêm những dấu hiệu như viêm đỏ vùng da xung quanh hậu môn, rỉ dịch (trắng đục) từ lỗ ngoài của đường rò nằm cạnh hậu môn.
Cách điều trị duy nhất và hiệu quả nhất của căn bệnh này là phẫu thuật. Áp xe cạnh hậu môn phải được dẫn lưu áp xe cấp cứu tại phòng khám chuyên khoa hoặc phòng mổ. Điều trị kháng sinh không kèm dẫn lưu áp xe có thể gây nguy hiểm tính mạng. Giai đoạn rò có thể lựa chọn phẫu thuật một thì hoặc phẫu thuật nhiều thì (đặt seton dẫn lưu đường rò, cắt dần đường rò sau mỗi lần tái khám theo hẹn cho đến hết hoặc đường rò sau khi dẫn lưu tốt, hạ thấp sẽ được mổ mở đường rò thì sau). Tuy gây phiền hà cho bệnh nhân do thời gian liền thương kéo dài nhưng lại làm giảm tỉ lệ biến chứng mất tự chủ hậu môn sau mổ.
Để phòng tránh căn bệnh gây nhiều phiền hà giảm chất lượng cuộc sống này, người dân cần kiểm soát tốt các yếu tố thuậtn lợi gây bệnh như trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích,… Cần duy trì thói quen ăn uống sinh hoạt điều độ, tránh đồ ăn cay nóng, chất kích thích và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn. Đặc biệt, thường xuyên tầm soát cơ thể sẽ giúp mỗi người kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân.