Bệnh nhi S (10 tuổi) đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vì đau vùng cổ, buồn nôn, nuốt đau. Kết quả nội soi ghi nhận có mảnh xương dài 2cm, đầu nhọn ghim vào thành dạ dày gây viêm loét và xung huyết. Các bác sĩ đã thực hiện gắp dị vật thành công dưới nội soi.
Sau phẫu thuật nội soi, bệnh nhi hết triệu chứng nôn ói, đau vùng cổ và bắt đầu uống sữa, ăn cháo loãng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, khi trẻ em ăn uống hoặc chơi đùa, những tai nạn không mong muốn như hóc xương hoặc nuốt phải dị vật có thể xảy ra. Dị vật mắc kẹt trong thực quản có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, sự quan tâm và giám sát từ phụ huynh có thể phòng tránh và xử lí các tình huống này một cách an toàn.
Còn Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa điều trị, gắp ra một viên sỏi từ tai một bé gái 5 tuổi do trẻ tự nhét vào tai trong lúc chơi đùa.
Bác sĩ Huỳnh Đức Nhật Anh - Khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, không chỉ có bé gái 5 tuổi này, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra. Do đó, cảnh báo đến tất cả các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của trẻ.
Trong đó, nhét vật lạ vào tai là tình huống không hiếm gặp ở trẻ nhỏ và nếu không được xử lí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vật lạ có thể tổn thương màng nhĩ hoặc ống tai ngoài, dẫn đến giảm thính lực, hẹp ống tai ngoài hoặc nhiễm trùng tai.
Bên cạnh đó, vật lạ bị kẹt trong tai có thể gây viêm nhiễm, sưng đau và nếu không điều trị kịp thời có thể gây hoại tử ống tai. Mặt khác, trẻ còn cảm thấy rất đau đớn và khó chịu. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lí và sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Bác sĩ Anh khuyến cáo, nếu phát hiện dị vật tai ở trẻ, phụ huynh không nên tự lấy dị vật ra khỏi tai ở nhà vì có thể gây thủng màng nhĩ hoặc tổn thương ống tai ngoài, cần đưa trẻ vào những cơ sở y tế để được y bác sĩ kiểm tra và xử lí kịp thời.