Gặp sự cố khi đang chạy
Vừa qua, một người đàn ông đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngay sau đó được người nhà và người có mặt tại công viên gọi cấp cứu. Nạn nhân khoảng 30 tuổi. Tại thời điểm gặp nạn, nạn nhân được sơ cứu và chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm tiếp nhận nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.
Cuối tuần qua, Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đang chạy bộ. Bệnh nhân N.M.H (37 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện cấp cứu khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào. Đang chạy, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu, được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy, sau đó chuyển tới Bệnh viện E. Tại đây, bệnh nhân H có biểu hiện kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán sơ bộ anh bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức, theo dõi tình trạng tiêu cơ vân.
Xét nghiệm máu cho thấy, bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể). Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, lọc máu. Hiện tình trạng bệnh nhân cải thiện.
Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết: Bệnh nhân H có tiền sử khỏe mạnh, bản thân anh cũng thường xuyên luyện tập. Tuy nhiên, trước giải chạy 3 ngày, bệnh nhân có bị sốt. Hết sốt, anh H nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy. Các bác sĩ cho rằng, đây là sai lầm của bệnh nhân và rất nhiều người đang mắc phải đã vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Nên biết lượng sức của mình khi chạy
Theo bác sĩ Phong, mỗi năm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Trường hợp như anh H cũng không phải hiếm gặp. Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Một số nguyên nhân khiến đột tử khi chạy như bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim); Người chạy có thể bị bệnh lý tim hay mạch máu bẩm sinh mà bản thân họ cũng không biết. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ tuổi tử vong; Vận động viên có thể bị sốc nhiệt trên đường chạy dẫn đến nguy cơ có thể tử vong. Sốc nhiệt là bị rối loạn thân nhiệt do quá nóng, nếu cấp cứu kịp thời thì có thể sống được.
Nguyên nhân chính thường do khi ta vận động nhanh mạnh, phần lớn lưu lượng máu sẽ được tập trung dồn đến các khối cơ vận động, nhưng vẫn được bù trừ vì các động tác vận động làm cho các nhóm cơ phải luôn co duỗi tạo áp lực khiến máu tiếp tục lưu thông tuần hoàn dễ dàng.
Khi cơ bắp dừng hoạt động đột ngột, tốc độ máu lưu thông ở trong mao mạch bị cản trở, thêm trọng lực của cơ thể dồn xuống hai chân làm một lượng lớn máu tích tụ ở tĩnh mạch các chi dưới nên lượng máu về tim ít, não và tim thiếu oxy đột ngột gây choáng váng, toàn thân bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, mặt tái xanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh; Tim đập chậm yếu, nhịp thở chậm, đồng tử mắt co lại, nặng hơn sẽ hôn mê và đột tử.
Thời gian gần đây có nhiều giải chạy phong trào với sự tham gia đông đảo, thậm chí hàng chục nghìn người. Bác sĩ Phong cảnh báo chạy thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe nhưng việc chạy cần phù hợp với sức khỏe của mình, không cố chạy gắng sức để đặt mục tiêu của bản thân mà quên đi thể lực hiện tại. Trước mỗi cuộc chạy, bạn cần chuẩn bị tập luyện thật kỹ càng, nâng dần dần độ khó.
Khi tập thể lực, bạn cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, người dân cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp.