Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Từ Ngữ, Phó Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam cho biết, đường máu rất quan trọng với cơ thể. Cơ thể không có đường trong máu (hạ đường huyết) có thể gây tử vong. Ngược lại, đường huyết luôn ở mức cao sẽ gây ra rất nhiều biến chứng trong cơ thể như ở thận, tim, mắt, mạch máu…
TS Từ Ngữ cho biết bình thường, chúng ta phải ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Hiện nhiều người có thói quen ít ăn cơm hơn, tăng cường ăn thịt, trứng, cá, uống sữa nhưng đái tháo đường lại tăng. Nguyên nhân do quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Thực tế, nhiều người không ăn tinh bột nhưng đường huyết vẫn cao do bị rối loạn chuyển hoá, cơ thể tự chuyển hóa sang đường.
Với các trường hợp không ăn tinh bột mà đường huyết lúc đói cao, chuyên gia cảnh báo, nguy cơ đái tháo đường là rất cao. Khi đó, để giảm nguy cơ, trường hợp này phải ăn uống như chế độ của bệnh nhân đái tháo đường. Lưu ý, bệnh nhân không kiêng hoàn toàn tinh bột vẫn phải ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất, chia nhỏ bữa ăn, đa dạng thực phẩm, tăng cường vận động thể dục thể thao.
TS Từ Ngữ khuyến cáo, đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng về tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim); Thận (đạm trong nước tiểu, suy thận); Mắt (đục thủy tinh thể, mù mắt); Thần kinh (dị cảm, tê tay chân); Nhiễm trùng (da, đường tiểu, lao phổi, bàn chân). Ngoài các biến chứng trên, bệnh có thể gây ra bệnh mạch máu ngoại vi, trong đó hay gặp nhất là bệnh mạch máu chi dưới gây hoại tử và phải cắt cụt chi.
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), người trên 45 tuổi và không có những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường cần thực hiện xét nghiệm đường huyết trước ăn khoảng 2 - 3 năm 1 lần.