Tiền tiểu đường (hay còn gọi là tiền đái tháo đường) là tình trạng đường trong máu cao hơn mức bình thường, tuy chỉ số này chưa đủ cao để được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhưng là một báo hiệu xấu cho tình trạng đường huyết.
Tiền tiểu đường nguy hiểm khi nó không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào rõ ràng khiến bệnh nhân thường bỏ qua giai đoạn vàng để phòng tránh căn bệnh đái tháo đường. Để xác định chỉ số đường huyết tiền tiểu đường, bệnh nhân có thể thực hiện các xét nghiệm sau đây:
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Chỉ số đường huyết tiền tiểu đường sẽ được đo thông qua xét nghiệm đường huyết lúc đói. Bệnh nhân sẽ được lấy máu sau khi đã nhịn ăn qua đêm hoặc ít nhất 8 giờ để đo giá trị đường huyết được biểu thị bằng đơn vị mg/dL hoặc mmol/L.
Kết quả như sau:
Dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường.
Từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) là chỉ số tiền tiểu đường.
Từ 126 mg/dL (7,0 mmol/L) trở lên trong hai lần xét nghiệm riêng biệt được chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm huyết sắc tố HbA1C
Kết quả của xét nghiệm HbA1C được đưa ra dưới dạng phần trăm, cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 3 tháng qua. Tỉ lệ phần trăm càng cao, lượng đường huyết trong máu trung bình của bệnh nhân trong 3 tháng sẽ càng cao.
Kết quả như sau:
Dưới 5,7% là bình thường.
Từ 5,7% đến 6,4% là chỉ số tiền tiểu đường.
Từ 6.5% trở lên thì bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống
Xét nghiệm này ít phổ biến hơn, thường sử dụng trong xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn qua đêm sau đó uống 75 gam đường. Sau 2 giờ, bệnh nhân sẽ được lấy máu để đo chỉ số đường huyết tiền tiểu đường, tiểu đường.
Kết quả như sau:
Dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường
Từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,0 mmol/L) được chẩn đoán tiền tiểu đường
200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên là chỉ số tiểu đường hay bệnh đái tháo đường.