Nguy hiểm khi tiêm insulin quá liều
Do con cháu đi làm, bà N.T.P (85 tuổi, TPHCM) tự tiêm insulin 15 năm nay. Gần đây, bà lúc nhớ lúc quên, thường tiêm insulin quá liều nên thường xuyên mệt, run, vã mồ hôi, ngủ li bì. Người bệnh nhập viện vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM được chẩn đoán hạ đường huyết nặng do insulin. Sau khi được cấp cứu hạ đường huyết, người bệnh tỉnh táo.
Ngược lại, anh H.T (56 tuổi, tỉnh Bình Thuận) lại thường xuyên quên tiêm thuốc insulin do công việc bận rộn. Người bệnh nhập viện trong tình trạng lừ đừ, mệt, khó thở, nôn ói, khát nước nhiều. Chỉ số đường huyết lúc nhập viện tăng 4 lần kèm theo tình trạng nhiễm toan ceton với ceton máu tăng cao. Sau khi được truyền dịch, điện giải và insulin, người bệnh mới dần khỏe hơn.
Khác với 2 tình huống trên, chị N.T.M.H (54 tuổi, tỉnh Đồng Nai) lại tự điều chỉnh liều tiêm insulin nhiều hay ít do sở thích cá nhân. Chị H bị đái tháo đường (tiểu đường) 20 năm và 8 năm nay phải tiêm insulin mỗi ngày 3 lần vì bệnh nặng hơn.
Từ khi tiêm insulin, chị thấy đường huyết ổn định nên quên mất chế độ ăn uống dành cho người tiểu đường. Mỗi khi muốn uống trà sữa, ăn sầu riêng, chị lại tiêm insuslin nhiều hơn bác sĩ chỉ định. Những ngày không ăn nhiều đồ ngọt, chị không tiêm insulin. Gần đây, người bệnh nôn ói liên tục nên nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán tăng đường huyết, nhiễm toan ceton. Bác sĩ truyền dịch, điện giải và insulin cho người bệnh. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời, chị H có nguy cơ tử vong.
Về sai lầm trong uống thuốc, chị N.T.H (57 tuổi, Côn đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là trường hợp điển hình khi vẫn "thèm gì ăn nấy". Vừa được chẩn đoán tiểu đường mức độ nhẹ, chỉ uống thuốc chưa phải tiêm insulin nên chị H nghĩ đây là bệnh bình thường. Chị vẫn ăn nhiều tinh bột, trái cây ngọt, hay quên uống thuốc. Đến khi kiệt sức, nằm trên giường và không thể đi lại, người bệnh được đưa đến cấp cứu. Sau 5 ngày điều trị đưa đường huyết về mức ổn định, chị H. được bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn phù hợp trước khi xuất viện.
Chăm sóc sức khỏe tiểu đường tại nhà
Bác sĩ Phan Thị Thùy Dung - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM khuyến cáo, kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường rất quan trọng để ngừa biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu và những biến chứng mạn tính bao gồm tổn thương mạch máu lớn (gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hẹp tắc động mạch ngoại biên chi dưới, bàn chân đái tháo đường, cắt cụt chi…) và tổn thương mạch máu nhỏ (gây suy chức năng của thận, bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh thần kinh ngoại biên…). Hơn nữa, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng mô mềm…
Tình trạng tăng hay hạ đường huyết đều gây nguy hiểm đến sức khỏe. Ăn uống không kiểm soát, bỏ hay quên dùng thuốc dễ gây tăng đường huyết. Việc nhịn ăn, bỏ ăn, hay dùng thuốc quá liều sẽ làm hạ đường trong máu.
Khi tăng đường huyết người bệnh tiểu đường sẽ có các triệu chứng: khô miệng, khát nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân, mờ mắt, tê chân, mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng.…
Còn khi hạ đường huyết, các triệu chứng thường gặp gồm đói bụng cồn cào, tim đập mạnh, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể hôn mê hạ đường huyết nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, người bệnh không chỉ tuân thủ chế độ ăn uống, tập thể dục, tiêm insulin, uống thuốc đúng liều mà còn tái khám định kì.
Về chế độ ăn, người bệnh tiểu đường cần ăn ít tinh bột, trái cây ngọt, đồ đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều đường. Không uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích khác. Người bệnh nên ước chừng lượng thực phẩm cho 1 bữa ăn.
Với tinh bột chưa nấu (gạo, nui, mì…) và trái cây được ăn 1 nắm tay. Thịt, cá được ăn 1 miếng bằng lòng bàn tay không tính ngón tay. Với rau củ nên ăn nhiều ít nhất bằng 2 bàn tay vun lại. Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, người bệnh tiểu đường lao động nhiều có thể ăn thêm bữa xế, khẩu phần bằng 1 nắm tay (1/3 quả bắp, 1/2 củ khoai lang,…). Người bệnh nên chọn trái cây có nhiều chất xơ và chỉ số đường thấp như: ổi, mận, bơ, táo,…