Trẻ có nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp sau sinh do mổ lấy thai chủ động
Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Đặc biệt, có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, trong đó có 1 ca không qua khỏi.
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan - khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ về trường hợp bé trai Đ.T.D, 1 ngày tuổi, ở Thái Bình, là con thứ 2 trong gia đình. Đây là lần thứ 2 sản phụ sinh mổ nên gia đình lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở CPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi). Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển, trẻ được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương). Bệnh nhi vào viện trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực sơ sinh – Trung tâm Sơ sinh đã tiến hành hỗ trợ thở máy cho trẻ. Đồng thời, bệnh nhi được bơm surfatant vào phổi để hỗ trợ hô hấp, kết hợp với thuốc vận mạch, trợ tim liên tục. Sau 7 ngày điều trị, thật may mắn, tình trạng của bé Đ.T.D đã cải thiện và ổn định.
Không may mắn như trường hợp trên, một ca khác là bé trai 1 ngày tuổi ở Nam Định, đẻ mổ chủ động tại bệnh viện địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36. Khi mẹ phải nằm theo dõi thai kỳ trong 1 tuần, gia đình đã quá lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ.
Trẻ sau sinh suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong tình trạng tím tái, SPO2: 50%, suy tuần hoàn. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cho trẻ thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi. Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong sau 3 ngày.
Cân nhắc khi chọn sinh mổ theo giờ
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ chủ động khi chưa chuyển dạ trong một số trường hợp như trọng lượng em bé quá lớn, thai nhi bắt đầu có các dấu hiệu suy thai, thai nhi bị suy dinh dưỡng... hoặc mẹ bầu gặp các triệu chứng như bị nhau tiền đạo trung tâm, nhau thai bị can xi hóa; một số mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề như tiền sử thai lưu nhiều lần, thai lưu trước chuyển dạ.
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết thêm, mổ lấy thai nếu đúng chỉ định sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi. Tuy nhiên, mổ lấy thai cũng là nguyên nhân của những tai biến khác đối với trẻ như hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh. Trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ: từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí phải cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường. Nguyên nhân là khi sinh mổ, trẻ giảm tiếp xúc với vi khuẩn trong những ngày đầu tiên sau sinh vì điều kiện vệ sinh vô trùng chặt chẽ khi mổ, trẻ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và vi khuẩn chủ yếu từ môi trường bệnh viện (khi bé nằm trong bệnh viện). Trong khi đó, nếu sinh thường thì trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể người mẹ khi đi qua đường âm đạo (vi khuẩn có sẵn ở âm đạo) và môi trường xung quanh.
Việc sinh mổ còn có thể dẫn đến những biến chứng cho người mẹ trong lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung ở mẹ, nhau thai bám vào vết mổ cũ... Bác sĩ khuyến cáo, trước khi đề nghị chọn ngày giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những ích lợi và tác hại của nó, lắng nghe những tư vấn của bác sĩ. Nếu bác sĩ không chỉ định mổ lấy thai, sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên.