Bệnh nhân nữ 17 tuổi, bị tai nạn giao thông (ôtô tải 1,5 tấn đè lên ngực trái) nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau vai và thành ngực trái, khó thở nhiều, rì rào phế nang phổi trái mất toàn bộ, đụng dập phần mềm nhiều vị trí (vai, thành ngực, thành bụng, cánh tay trái).
Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ: Chấn thương ngực kín do tai nạn giao thông dập phổi trái, gãy 5 xương sườn, tràn khí màng phổi trái mức độ nhiều. Bệnh nhân được đặt dẫn lưu màng phổi trái, ra rất nhiều khí. Sau khi đặt dẫn lưu, tình trạng hô hấp bệnh nhân không cải thiện, dẫn lưu vẫn ra khí liên tục. Trên chụp CT ngực kiểm tra thấy phổi trái vẫn xẹp, có ổ tụ máu trong phổi ở thuỳ dưới.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản cấp cứu. Kết quả nội soi phế quản cho thấy tổn thương rách gần đứt rời phế quản gốc trái, không khảo sát được phế quản thuỳ trên và thuỳ dưới ở dưới vị trí tổn thương.
Bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu. Tổn thương phế quản hết sức phức tạp: Đụng dập, đứt gần hoàn toàn phế quản gốc trái sát chỗ phân chia phế quản thuỳ trên và thuỳ dưới, rách dọc niêm mạc thành sau phế quản gốc trái, dập nát đứt gần rời 2 vòng sụn đầu tiên của phế quản thuỳ trên.
Ngoài ra, nhu mô thuỳ dưới phổi bị đụng dập nặng, đồng thời chảy máu từ động mạch phế quản chảy vào gây tụ máu lớn ở thuỳ dưới phổi trái.
Kíp phẫu thuật đã hút máu tụ thùy dưới phổi trái, cắt lọc và loại bỏ phần rách phức tạp của phế quản gốc trái và phế quản thùy trên, phế quản thuỳ dưới, tạo hình ngã ba phế quản gốc trái - phế quản thùy dưới phổi trái - phế quản thùy trên phổi trái.
TS Ngô Vi Hải - Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) phẫu thuật viên chính của ca mổ - cho biết: “Đối với tổn thương này, tái tạo lại chạc ba phế quản gốc - phế quản thuỳ trên-dưới là giải pháp duy nhất để bảo tồn phổi cho bệnh nhân, nếu không bệnh nhân sẽ mất toàn bộ phổi trái. Vì với hình thái tổn thương này, phế quản cả 2 thuỳ đều tổn thương nặng, nếu chỉ cắt 1 thuỳ cũng không thể nối được với phế quản gốc. Nếu mất toàn bộ phổi trái sẽ rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng trước mắt cũng như ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân".
3 ngày sau ca mổ cấp cứu, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở tốt. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực, dùng kháng sinh và nội soi phế quản hút máu đọng phế quản, kết hợp với vật lý trị liệu tích cực hỗ trợ bệnh nhân ho khạc hết máu đọng, đồng thời phục hồi chức năng hô hấp. Bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khoẻ, sau 1 tuần bệnh nhân được soi phế quản và chụp CT ngực kiểm tra thấy miệng nối phế quản liền tốt, nhu mô phổi gần như phục hồi hoàn toàn.
Bệnh nhân được ra viện sau mổ 9 ngày trong tình trạng ổn định, hô hấp bình thường và được hẹn tái khám định kỳ để theo dõi đảm bảo kết quả lâu dài của phẫu thuật.