Dị vật đường thở - Tai nạn nguy hiểm thường gặp trong cuộc sống hàng ngày

Hà Lê |

Dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi - lứa tuổi thích khám phá bằng cách đưa các vật thể vào miệng. Thế nhưng, tai nạn này vẫn có thể xảy ra ở nhóm trẻ lớn (7 - 10 tuổi) do những bất cẩn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi.

Trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều độ tuổi khác nhau, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.

Trong tháng 1.2023, Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một chuỗi 5 ca bệnh các bé trong độ tuổi nhỏ (1-3 tuổi) hóc dị vật: Bé Q.A (14 tháng, Quảng Ninh) hóc xương lợn vào phế quản gốc phải do trẻ vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy. Bé K.A (3 tuổi) hóc vỏ hạt bí do bố mẹ không chú ý để con tự ý ăn hạt bí trên bàn. Bé T.L (2,5 tuổi) hóc hạt hướng dương. Bé M.L (2 tuổi) nuốt phải viên đạn nhựa. Bé H.N 17 tháng tuổi đã bị dị vật mảnh nhựa của đồ chơi trong đường thở. Thật may, các bé đều được cấp cứu kịp thời và được các bác sĩ  loại bỏ dị vật hoàn toàn và sức khỏe ổn định trở lại.

Gần đây nhất là trường hợp cháu N.Đ.T (7 tuổi, ở Thái Bình), bố mẹ đi làm xa, ở nhà với ông bà ngoại. Ngày 24.2, trong lúc chơi với các bạn ở lớp, không may nuốt phải đầu bút bi. Hôm sau, cháu có biểu hiện thở rít lặp lại gần nhau, kèm theo ho. Cháu được khám ở bệnh viện tuyến huyện. Tại đây, trẻ được chẩn đoán là có dị vật trong đường thở. Trẻ được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh rồi lập tức chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được các bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp - Trung tâm Hô hấp nội soi khí phế quản và gắp ra được một đầu bút bi kích thước 08 x 1cm. Dị vật này bít tắc gần kín đường thở của trẻ, nếu không được xử trí sớm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thành công của những ca hóc dị vật đường thở ở trẻ đòi hỏi sự chính xác từ khâu xử trí ban đầu từ các cơ sở y tế tuyến dưới, cho đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Chống độc, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức và các bác sĩ Trung tâm Hô hấp với các quy trình xử trí bài bản, nhằm đảm bảo phát hiện kịp thời, chẩn đoán chính xác, duy trì hô hấp và gắp dị vật mở thông đường thở cho trẻ, cũng như các bước hồi sức sau thủ thuật.

Theo ThS-BS Phùng Đăng Việt - Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp do bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá. Hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nhiều trò chơi nên dễ bất cẩn.

Dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan chỉ nghĩ trẻ nuốt phải vật lạ, nhưng không lường được nguy hiểm khi dị vật bít kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản; viêm phổi; xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu ôxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.

ThS-BS Phùng Đăng Việt cũng khuyến cáo, khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn.

Cách sơ cứu cơ bản khi trẻ mắc dị vật đường thở

- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, không khó thở: đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu sau:

Trẻ dưới 2 tuổi:

+ Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

+ Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

+ Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

+ Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Đối với trẻ lớn:

+ Trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được.

+ Trẻ hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

- Không nên can thiệp nếu trẻ vẫn còn có thể ho, thở hay la, khóc được, mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

- Tuyệt tối không cố móc lấy dị vật ra vì có nhiều khả năng dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, dẫn đến tắc đường thở, gây nguy cơ tử vong cao hơn.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Cứu sống trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng do sa dây rau

Hà Lê |

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng nguy hiểm do sản phụ bị sa dây rau.

Bệnh lý hô hấp ở trẻ khi chuyển mùa, phụ huynh cần làm gì?

An Nhiên |

Bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ là bệnh phổ biến khi thời tiết giao mùa, không ít người cho rằng bệnh sẽ tự khỏi nên không cho con đến bác sĩ. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, các bệnh lý hô hấp có thể dẫn đến các biến chứng nặng và nguy hiểm.

Cách sơ cứu trẻ bị dị vật đường thở

Thanh Ngọc |

Khi bị dị vật đường thở, nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở, nên đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. 

Gắp nhiều mảnh xương lươn sắc nhọn trong đường thở bé trai 1 tuổi

Thanh Chân |

TPHCM - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khò khè, thở mệt. Cách nhập viện 10 ngày, trẻ đang ăn cháo lươn thì ho, sặc sụa, tím tái.

Cứu sống trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng do sa dây rau

Hà Lê |

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng nguy hiểm do sản phụ bị sa dây rau.

Bệnh lý hô hấp ở trẻ khi chuyển mùa, phụ huynh cần làm gì?

An Nhiên |

Bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ là bệnh phổ biến khi thời tiết giao mùa, không ít người cho rằng bệnh sẽ tự khỏi nên không cho con đến bác sĩ. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, các bệnh lý hô hấp có thể dẫn đến các biến chứng nặng và nguy hiểm.

Cách sơ cứu trẻ bị dị vật đường thở

Thanh Ngọc |

Khi bị dị vật đường thở, nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở, nên đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. 

Gắp nhiều mảnh xương lươn sắc nhọn trong đường thở bé trai 1 tuổi

Thanh Chân |

TPHCM - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khò khè, thở mệt. Cách nhập viện 10 ngày, trẻ đang ăn cháo lươn thì ho, sặc sụa, tím tái.