Đừng để chết vì bệnh dại

Hà Lê |

Chưa đầy 1 tuần, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chứng kiến 2 bệnh nhi tử vong do bệnh dại. Điều đáng nói, các bé đều nhập viện trong tình trạng quá muộn, không thể cứu chữa. Bệnh dại không mới dù được khuyến cáo cách phòng, điều trị thường xuyên nhưng nhiều người vẫn mơ hồ, coi thường. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Một tuần, bệnh dại "đoạt mạng" 2 trẻ

Những ngày cuối tháng 5.2018, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đau xót: Chỉ trong vòng 1 tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhi bị chó dại cắn và đều tử vong. Bệnh nhi 12 tuổi (sống tại Hoà Bình) tử vong sau một tuần vào viện. 5 ngày sau, bé 9 tuổi (Lạng Sơn) tử vong chỉ sau nửa ngày nhập viện. Cả 2 trẻ nhập viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước, tiến triển bệnh ngày càng nặng và tử vong dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ.

Qua khai thác từ người nhà bệnh nhi được biết, gia đình hai cháu đều không biết con mình bị chó cắn. Với bệnh nhi 12 tuổi, con chó chết, khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế. Còn trường hợp cháu bé 9 tuổi, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.

Chưa hết, mặc dù được khuyến cáo cách phòng, điều trị thường xuyên nhưng nhiều người vẫn mơ hồ, coi thường. Thậm chí, có người tìm đến thầy lang chữa bệnh dại để rồi tiền mất tật mang. Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, qua theo dõi bệnh dại trong nhiều năm, điểm đáng lưu ý là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa. Người dân không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc có vết xước, rách da khi chơi đùa, tiếp xúc với các loài động vật này.

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lo lắng: Các chuyên gia liên tục cảnh báo tình trạng người dân chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó cắn nhưng tình trạng trên năm nào cũng xảy ra. Thậm chí, không ít trường hợp sau khi bị chó cắn thay vì tiêm phòng dại thì nghe “thầy lang” chẩn bệnh.

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp đưa ra ví dụ, hè năm trước bé N.H.H (12 tuổi, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có biểu hiện vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió không ngủ được. Gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thái Bình khám, được xác định bệnh dại và chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhưng sau một ngày nằm viện thì bé tử vong.

Theo gia đình bệnh nhi, trước đó 20 ngày, bé bị chó cắn vào bắp chân. Mãi một tuần sau, gia đình định đưa con đi tiêm phòng thì được truyền miệng đến một “thầy lang” có khả năng xác định vết cắn có phải do chó dại không (!?). Sau khi khám, “thầy lang” khẳng định vết cắn này không phải do chó dại. Nghe theo, gia đình không đưa bé đi tiêm phòng và quyết định làm thịt con chó để nó không còn cắn người. Thế nhưng sau 20 ngày, bệnh nhi có biểu hiện lên cơn dại, gia đình tức tốc đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn. 

Tin thầy lang chữa bệnh dại là tự đi vào cái chết

Ngoài lý do người dân chủ quan không tiêm phòng vì nghĩ “chó nuôi ở nhà cắn chắc không sao”, rất nhiều người khi bị chó cắn thường tìm đến các phương thuốc gia truyền hay các “thầy lang” để điều trị. Trên thực tế, khi virus dại đã tấn công vào não và bệnh nhân đã lên cơn dại kịch phát thì chắc chắn không cứu được.

Không chỉ những người bị chó dại cắn mà cả những trường hợp làm thịt chó dại (virus dại xâm nhập cơ thể qua những vết thương) cũng có nguy cơ mắc bệnh dại. Giới chuyên môn cảnh báo ngay cả chó nuôi trong nhà, ngoài việc tiêm phòng còn phải thường xuyên theo dõi, nếu có hiện tượng bất thường (chạy cắn người hoặc cắn động vật khác) thì phải nhốt ngay lại. Khi bị chó dại cắn thì cần rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại. Đáng nói, là nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn.

Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày. 

 
Lực lượng chức năng tại TPHCM bắt chó thả rông ngoài đường, nhằm phòng tránh tình trạng chó dại cắn người - Ảnh: Minh Quân 

Mùa hè bệnh dại tăng cao

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Cần tiêm phòng ngay khi bị chó cắn
Cần tiêm phòng ngay khi bị chó cắn

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Hiện nay, Việt Nam có 2 vaccine phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vaccine Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vaccine Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vaccine dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả. Trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vaccine dại. Hàng năm, trung bình có khoảng 400.000 - 500.000 người tiêm vaccine phòng dại. 

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

- Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

-Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Nếu không may bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.

Vaccine phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10

K.Đ |

Sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều  học sinh đang tích cực học ngày học đêm để ôn luyện. Việc đảm bảo cho các em có đầy đủ sức khỏe, tinh thần và thi đạt kết quả cao nhất là rất cần thiết.

Đồng hồ thông minh có chức năng theo dõi chu kì sức khỏe phụ nữ

Diệu Tiên |

Fitbit Versa đánh dấu việc công bố Cty Synnex FPT chính thức phân phối sản phẩm của thương hiệu chuyên sản xuất các thiết bị chăm sóc sức khỏe và giám sát hoạt động Fitbit.

Nỗi lo heo bị tiêm thuốc an thần

Huyền Trân |

Lực lượng chức năng TPHCM vừa tiếp tục phát hiện một vụ vận chuyển 46 con heo nái từ Bà Rịa – Vũng Tàu vào khu vực TPHCM tiêu thụ, bị tiêm thuốc an thần. Qua vụ việc này càng cho thấy, tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ và thịt heo sau giết mổ bán ngoài chợ tồn dư thuốc an thần vẫn diễn ra phổ biến hiện nay, khiến người dân cảm thấy không an tâm khi dùng thịt heo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng năng dường như vẫn chưa có những biện pháp chế tài đủ mạnh cũng như giải pháp hiệu quả để ngăn chặn triệt để  nạn tiêm thuốc an thần vào heo, gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10

K.Đ |

Sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều  học sinh đang tích cực học ngày học đêm để ôn luyện. Việc đảm bảo cho các em có đầy đủ sức khỏe, tinh thần và thi đạt kết quả cao nhất là rất cần thiết.

Đồng hồ thông minh có chức năng theo dõi chu kì sức khỏe phụ nữ

Diệu Tiên |

Fitbit Versa đánh dấu việc công bố Cty Synnex FPT chính thức phân phối sản phẩm của thương hiệu chuyên sản xuất các thiết bị chăm sóc sức khỏe và giám sát hoạt động Fitbit.

Nỗi lo heo bị tiêm thuốc an thần

Huyền Trân |

Lực lượng chức năng TPHCM vừa tiếp tục phát hiện một vụ vận chuyển 46 con heo nái từ Bà Rịa – Vũng Tàu vào khu vực TPHCM tiêu thụ, bị tiêm thuốc an thần. Qua vụ việc này càng cho thấy, tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ và thịt heo sau giết mổ bán ngoài chợ tồn dư thuốc an thần vẫn diễn ra phổ biến hiện nay, khiến người dân cảm thấy không an tâm khi dùng thịt heo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng năng dường như vẫn chưa có những biện pháp chế tài đủ mạnh cũng như giải pháp hiệu quả để ngăn chặn triệt để  nạn tiêm thuốc an thần vào heo, gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.