GS.TS Trần Thiết Sơn - Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, Hà Nội) cho biết: "Dùng chất làm đầy làm đẹp với những người làm nghề lâu năm như chúng tôi không phải là phương pháp mới.
Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính là mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm)".
Ưu điểm của việc làm đẹp nhờ thủ thuật tiêm Filler là hiệu quả nhanh, tính rủi ro ít. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ, với các nguy cơ có thể gặp như nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu… đôi khi cần phải phẫu thuật lại thì thủ thuật này gần như không có.

Tuy nhiên, những người có nhu cầu tiêm chất làm đầy để làm đẹp là nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Những cơ sở “chui” như trên nếu xảy ra tai biến không đủ khả năng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng.
“Trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, khách hàng phải xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt; người tiêm Filler phải là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo bài bản”, GS.BS Trần Thiết Sơn nhấn mạnh.
Chất làm đầy Filler thực chất là tên gọi chung cho những hoạt chất khác nhau, như Collagen dạng tiêm, Acid hyaluronic (Restylane, Perlane, Teoxane, Prevelle…), Radiesse, Sculptra, đều là các nhóm thuộc chất làm đầy Filler. Trong đó, một số chất được cho phép sử dụng trên toàn thế giới, một số khác không an toàn nên đã bị cấm.
“Ở những nơi làm đẹp uy tín, bác sĩ bắt buộc phải sử dụng các chất Filler an toàn, được cấp phép trên toàn thế giới. Còn ở các cơ sở tự phong, vì ham rẻ nên sử dụng chất làm đầy trái phép như sillicon lỏng (một loại chất bị cấm) thì rất nguy hiểm cho khách hàng, gây nên hậu quả lớn”, GS.TS Sơn nói.
Bên cạnh việc tiêm Filler nhầm mạch máu thì tiêm chất làm đầy quá liều cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng. Tiêm Filler vào sống mũi không được quá 1cc, vùng đầu mũi là 0,3cc. Tiêm quá liều sẽ làm căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu sẽ dẫn đến hậu quả khó lường nếu để trong thời gian dài.
Cũng theo TS.BS Kiêm, nhiều người nghĩ tiêm Filler chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhưng cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì cần lưu ý. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Tuy vậy, không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng Filler để tránh biến chứng, bởi nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao.