Riêng trong vòng 2 tuần trở lại đây, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận ít nhất 8 bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Hiện Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ (46 đến 72) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến trước. 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân mặc dù đã điều trị tối đa nhưng tiên lượng chuẩn bị tử vong và gia đình đang làm thủ tục xin về để tử vong tại nhà. Các bệnh nhân còn lại gặp các di chứng với não và mù. Khai thác bệnh sử cho thấy các bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và uống rất nhiều rượu.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân N, tối hôm đó nhà có đám, bệnh nhân có uống rượu cùng các cháu (rượu cháu mua không rõ nguồn gốc), uống cũng nhiều. Đến 6h sáng hôm sau tỉnh dậy bệnh nhân có kêu là nhức đầu, chưa kịp đi xuống giường đã ngã vật ra, sau đó bệnh nhân ngất đi. Người nhà phải gọi cấp cứu cho nhập viện luôn.
Còn với trường hợp của bệnh nhân K cũng bị ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, vợ bệnh nhân kể lại: chiều hôm trước bệnh nhân K kêu mệt trong người nên gọi vợ đến đón để chở về luôn, trên đường đi về nhà thì bệnh nhân cứ nấc nấc, sau đó kêu đau lưng. Về đến nhà khi vào đến giường nằm thì vật vã ra kêu đau bụng và hoa hết mắt không nhìn thấy gì. Sau một lát, bệnh nhân nhớ ra và có bảo với con là: “Bố uống nhầm cồn rồi con ơi, đưa ngay Bố đi viện”. Lúc trên đường vào viện, bệnh nhân rất vật vã, đôi khi lịm hẳn không biết gì.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”.
Theo Trung tâm chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà nguyên nhân chính là các kẻ xấu, những người kinh doanh rượu phi pháp đã mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Một phần nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai và dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có các cơ sở y tế nhập về để sử dụng. Trung tâm chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn có.
Các bác sĩ khuyến cáo: để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng, ví dụ loại chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất, người phân phối để họ sẵn sàng chịu trách nhiệm. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm trước và sau tết âm lịch sắp đến gần.