Kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường có thể là một thách thức đối với phụ nữ do các yếu tố đặc biệt. Ví dụ, một số loại thuốc tránh thai có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Một phụ nữ chưa mắc bệnh tiểu đường có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi mang thai. Các hormone trong thời kỳ mang thai của người phụ nữ thay đổi và tác động vào cách thức sản xuất cũng như vận hành của insulin - hormone điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến phụ nữ khác với nam giới vì nhiều lí do. Trong đó, biến chứng tiểu đường ở phụ nữ có thể khó chẩn đoán hơn so với nam giới; tác dụng của hormone và tình trạng viêm đối với phụ nữ là khác nhau.
Phần lớn các triệu chứng của bệnh tiểu đường đều giống nhau ở cả phụ nữ và nam giới, nhưng một số triệu chứng chỉ xảy ra ở phụ nữ như nhiễm trùng do nấm ở vùng âm đạo (ngứa, tiết dịch, đau khi quan hệ tình dục và đau nhức), nhiễm trùng tiết niệu, hội chứng buồng trứng đa nang,...
Chọn carbohydrate lành mạnh
Chọn thực phẩm chứa carbohydrate lành mạnh và lưu ý đến khẩu phần ăn. Một số nguồn carbohydrate lành mạnh bao gồm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, kiều mạch và yến mạch nguyên hạt, trái cây, rau, đậu và các sản phẩm từ sữa.
Chọn chất béo lành mạnh
Một số chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách tăng mức cholesterol trong máu. Vì vậy, nên tránh thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, bơ, bánh quy, bánh ngọt, bánh nướng. Bổ sung các loại thực phẩm như các loại hạt không ướp muối, quả bơ, dầu ô liu, dầu hạt cải và dầu hướng dương.
Cắt giảm lượng đường bổ sung
Thay thế đồ uống có đường, nước tăng lực và nước ép trái cây bằng nước lọc, sữa nguyên chất hoặc trà và cà phê không đường. Việc cắt bỏ lượng đường bổ sung này có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì cân nặng hợp lý.
Ăn ít muối
Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, ăn muối quá mức có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Hạn chế lượng muối ăn vào ở mức 6 gram (một thìa cà phê) mỗi ngày.
Hoạt động thể chất
Ngoài việc ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất nhiều hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim cũng như giúp phụ nữ kiểm soát bệnh tiểu đường. Tập thể dục giúp tăng độ nhạy insulin (khả năng phản ứng của cơ thể trước hormone insulin), giảm lượng đường trong máu. Phụ nữ nên đặt mục tiêu tối thiểu là 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi tuần.