Theo ThS.BS Lê Thanh Quỳnh Ngân (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh), viêm gan virus, viêm gan B và C là nguyên nhân gây ra các ca tử vong mỗi năm do các biến chứng bao gồm xơ gan, ung thư gan... Khi bị viêm gan do virus, người bệnh cần lưu ý về chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng như thực hiện theo tư vấn của bác sĩ để có thể rút ngắn quá trình điều trị, phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, dừng các tác nhân gây hại trực tiếp cho gan như rượu, nấm, thuốc, chất kích thích,… Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý: Người bệnh nên ăn đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu đạm tốt (cá, sữa tươi, các loại đậu,…), ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và chọn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Đồng thời, người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt, cần tái khám định kì 3 - 6 tháng để kiểm soát hoặc điều chỉnh kịp thời theo từng giai đoạn bệnh.
Bác sĩ Quỳnh Ngân thông tin thêm, mỗi loại virus viêm gan sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua 4 con đường. Trong đó, đối với con đường tiêu hóa (đường phân - miệng), virus có thể lây lan khi một người ăn phải mẫu bệnh phẩm có chứa virus trong thức ăn, nước uống như virus viêm gan A, E hoặc các loại kí sinh trùng.
Đường lây truyền từ mẹ sang con thường gặp là viêm gan B và viêm gan C. Con đường này lây trong giai đoạn chu sinh (tính từ tuần thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau khi sinh). Đối với đường máu, quá trình lây nhiễm này có thể xảy ra nếu vết thương hở của người khỏe mạnh tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở của người bệnh, thông qua các vật dụng cá nhân như kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…
Về đường tình dục, viêm gan có thể lây truyền qua tinh dịch, dịch âm đạo hoặc một số chất dịch cơ thể khác. Quá trình lây nhiễm thường xảy ra ở những người quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su, quan hệ với nhiều người,…