Dài đại tràng là một nguyên nhân thực thể gây táo bón
Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai vừa phẫu thuật nội soi 2 thì điều trị cho một thiếu niên bị xoắn đại tràng Sigma do dài đại tràng điển hình. Đó là trường hợp bệnh nhân N.P.T.D, nam 15 tuổi, bị táo bón trong nhiều năm nay. Trung bình khoảng 3 ngày D mới đại tiện một lần. Khoảng 1 tuần trước khi vào viện, D bị đau tức vùng bụng dưới âm ỉ. Trước vào viện 1 giờ, D đột ngột đau bụng dữ dội vùng hạ vị lệch trái, kèm theo bí trung đại tiện. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ thấy một quai ruột nổi khiến bụng bệnh nhân bị chướng lệch trái. Bệnh nhân được chẩn đoán là xoắn đại tràng Sigma và được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Thăm dò trong quá trình mổ thì ổ bụng bệnh nhân không có dịch, đại tràng Sigma giãn to, xoắn quanh trục mạc treo, màu sắc tím nhẹ, không thấy điểm hoại tử. Trong 30 phút phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã tháo xoắn đại tràng Sigma và đưa ra hố chậu trái để làm hậu môn nhân tạo tạm thời (mở thông đại tràng) cho bệnh nhân.
Sau mổ, bệnh nhân D ổn định, hậu môn nhân tạo thông tốt. Bệnh nhân được chỉ định thăm dò cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân bệnh. Kết quả đo áp lực hậu môn trực tràng và soi đại tràng: bình thường nên loại trừ nguyên nhân dài và giãn đại tràng Sigma do bệnh lý phình giãn đại tràng bẩm sinh. Chụp khung đại tràng thấy thuốc lưu thông tốt qua đại tràng Sigma và trực tràng, nhưng có hình ảnh đại tràng Sigma dài bất thường. Kết hợp với diễn biến lâm sàng, bệnh nhân D được chẩn đoán mắc bệnh dài đại tràng gây táo bón mạn tính có biến chứng xoắn đại tràng Sigma. Hai tuần sau, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lần 2.
TS.BS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở thì 2, hậu môn nhân tạo được giải phóng, đưa vào ổ bụng để đánh giá toàn bộ khung đại tràng. Đại tràng sigma được cắt đoạn và thực hiện nối trong ổ bụng kiểu bên - bên. Thời gian phẫu thuật thì 2 là 120 phút và lượng máu mất trong mổ là 20ml. Ca mổ tiến hành thuận lợi, chỉ sau một ngày, bệnh nhân D đã lưu thông ruột tốt và được ra viện trong tình trạng ổn định.
Chẩn đoán dài đại tràng
Bác sĩ Nguyễn Huy Du cho hay: Dài đại tràng là sự gia tăng bất thường về chiều dài của đại tràng, trong khi khẩu kính lòng ruột vẫn trong giới hạn bình thường. Chiều dài trung bình của đại tràng từ 120-150 cm. Dài đại tràng là khi chiều dài này vượt thêm so với chiều dài trung bình từ 50 đến 100cm. Đoạn đại tràng dài thường là đại tràng trái và đại tràng sigma. Tỉ lệ người mắc bệnh này dao động từ 1,9 - 28,5% dân số. Đây là tổn thương lành tính, nhưng hệ quả của nó gây ra tình trạng táo bón mãn tính, đầy hơi, đau bụng, trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất là xoắn ruột.
Trong trường hợp dài đại tràng, quá trình tiêu hóa, hấp thu vẫn được thực hiện một cách bình thường, nhưng thức ăn có quãng đường di chuyển xa hơn trước khi bị tống ra ngoài. Trên quãng đường dài thêm này, đại tràng sẽ hấp thụ thêm chất lỏng nên phân đến trực tràng khô hơn và khó tống ra ngoài hơn. Đau bụng, đầy bụng và táo bón tăng đáng kể với chiều dài đoạn đại tràng dư thừa tăng lên. Do đó, dài đại tràng có thể dẫn đến: Táo bón, đôi khi gây ra hiện tượng u phân (fecalome), tức là phân cứng, khô dồn tắc thành khối trong trực tràng. Táo bón là triệu chứng chủ yếu của dài đại tràng.
Hội chứng tắc nghẽn (không trung đại tiện được): trong trường hợp xoắn ruột hoặc tắc ruột do u phân. Đại tràng dài ra thường liên quan đến sự không kết dính của mạc treo với phúc mạc thành. Do đó, đại tràng dài ra không cố định vào thành bụng và có thể di động tự do trên mạc treo dài và các đoạn dài dư thừa lỏng lẻo có nguy cơ xoắn ruột. Tuy nhiên, dài đại tràng đôi khi không có triệu chứng.
Để chẩn đoán xác định bệnh dài đại tràng thường dựa vào chụp X - quang khung đại tràng có bơm thuốc cản quang hoặc chụp cắt lớp vi tính dựng hình khung đại tràng. Điều trị chủ yếu là dự phòng, bao gồm chữa các triệu chứng có thể xuất hiện mãn tính và giảm đau: Thuốc chống co thắt, giảm đau, nhuận tràng hoặc thuốc xổ.
Điều trị phẫu thuật: Trừ những trường hợp nghiêm trọng, thông thường dài đại tràng được khuyến cáo không nên phẫu thuật để tránh gây ảnh hưởng cho hoạt động bình thường của ruột, do phẫu thuật có thể gây tổn thương các thần kinh và cơ. Chỉ phẫu thuật trong những trường hợp táo bón rất nặng không điều trị bằng thuốc với bất kỳ liệu pháp nhuận tràng nào hoặc trong trường hợp tắc ruột, xoắn ruột.