Bé T.Q.T, 4 tuổi, nhà ở Thái Nguyên, nhập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng đau bụng hố chậu phải.
Khai thác bệnh sử cho thấy, bé có tiền sử hay tiểu dắt, tiểu đau, được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần.
Qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang bụng, các bác sĩ chẩn đoán sỏi niệu quản trái đoạn chậu. Kích thước 10x4mm. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng sử dụng năng lượng laser.
Các bác sĩ đã dùng dụng cụ nội soi tiết niệu rất nhỏ cùng với nguồn tán laser để tán sỏi. Ca mổ thuận lợi, chỉ mất khoảng 20 phút, thời gian gây mê rất ngắn. Sau phẫu thuật trẻ ổn định kiểm tra lai hết sỏi.
Khác với người lớn, sỏi niệu quản nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng ở trẻ em là một bệnh hiếm gặp, tỉ lệ này chỉ khoảng 7,2 đến 14,2 trường hợp trong 100.000 trẻ (dưới 18 tuổi), và chiếm khoảng 0,15% trên tổng số các bệnh nhân mắc sỏi đường niệu.
Triệu chứng lâm sàng khi trẻ có sỏi ở đường tiết niệu như đau hông lưng, tiểu đau, tiểu ra sỏi, hoặc đôi khi triệu chứng âm thầm đến khi xuất hiện các triệu chứng của suy thận mãn như tăng huyết áp, phù, tiểu ít...
Trước đây, đối với bệnh lý này các bác sĩ thường phải mổ lấy sỏi. Ở các nước phát triển, sỏi niệu ở trẻ hầu như được điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn và xâm lấn tối thiểu như nội soi gắp sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và đặc biệt tán sỏi nội soi ngược dòng. Ưu điểm của kỹ thuật tiên tiến này là cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở niệu quản, bàng quang.
Khi trẻ mắc sỏi đường tiết niệu cần tiến hành mổ lấy sỏi hay tán sỏi nội soi bằng laser ngược dòng... Trường hợp nhẹ, đơn giản chỉ cần mổ một lần. Các phương pháp can thiệp là tán sỏi ngoài cơ thể chưa áp dụng ở trẻ em.