Hiện các doanh nghiệp đang kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được giảm thêm sau quyết định cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, dư địa để giảm thêm lãi suất cho các khoản vay thông thường (không tính các lĩnh vực ưu tiên) là không nhiều.
Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính của Công ty chứng khoán VCSC phân tích, nguồn vốn mà NHNN bơm ra đều có kỳ hạn rất ngắn nên các tổ chức tín dụng cũng không thể dùng để cho vay dài hạn được. Để hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí đầu vào, NHNN đồng loạt giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa hạ được giá vốn huy động. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm tại quầy của các NH vẫn dao động 4,9-7,5%/năm; kỳ hạn 9-12 tháng 4,9-8%/năm; kỳ hạn 24 tháng 6,3-8,56%/năm; kỳ hạn 36 tháng 6,6-8,3%/năm. Đáng chú ý, trên kênh tiền gửi online, ngân hàng còn phải huy động cao hơn gửi trực tiếp tại quầy để hút được tiền gửi trong mùa dịch.
Vẫn có những ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng nhỏ, chất lượng tài sản không thật sự tốt không điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn dài do thanh khoản không thật sự dồi dào và nợ xấu có thể gia tăng mạnh sau dịch COVID-19. Một khi lãi suất huy động các kỳ hạn dài chưa giảm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm sâu hơn được, nhất là khi các ngân hàng cũng đã cắt giảm khá mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua khiến biên lãi ròng bị thu hẹp đáng kể.
Việc phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn là điều chẳng đặng đừng, bởi huy động vốn của ngành ngân hàng các tháng qua cũng gặp khó khăn. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, dịch bệnh COVID-19 sẽ làm giảm tỷ lệ NIM của ngân hàng, do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Nguyên nhân là do ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp. Bên cạnh đó, việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập từ hoạt động này.
Đặt trong bối cảnh như vậy, việc ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bằng lãi suất thấp sau khi dịch bệnh kết thúc, sẽ là bài toán khó. Vì hiện nay ngân hàng cần đẩy vốn nhưng sau dịch, ngân hàng lại trở lại nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của cổ đông, để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ quá hạn phát sinh do dịch bệnh, ông Nguyễn Duy Phương chuyên gia của VCSC nhận định.