Trước việc TP mới Bình Dương đang nỗ lực phát triển thành một TP thông minh tiên phong của cả nước, ông cho biết ý kiến của mình về điều này?
Đại học Apollos (Mỹ) vừa trao tặng tôi bằng Tiến sĩ danh dự và vinh danh vợ tôi là Giáo sư danh dự. Từ thành quả hoạt động kinh doanh của tôi liên quan đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương; từ khó khăn, không được học hành tới nơi tới chốn, tôi mới được Đại học Apollos vinh danh. Đó là hạnh phúc, an ủi đối với vợ chồng tôi.Tôi chân thành cảm ơn Tỉnh uỷ, UBND, các sở, ngành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã cho phép, tạo điều kiện cho tôi được đầu tư xây dựng 2 dự án khu dân cư. Riêng dự án khu dân cư Đại Nam, nằm trong Khu liên hợp – dịch vụ - đô thị - công nghiệp (hay còn gọi TP mới Bình Dương), sau nhiều năm trắc trở; nay đã được cấp phép. Tôi coi đây là “vùng đệm” kề bên trung tâm hành chính tỉnh. Tôi tâm nguyện sẽ biến nơi đây thành một khu đô thị đẹp, để thu hút người dân về an cư.
Xây dựng thành phố mới Bình Dương đòi hỏi phải có lộ trình. Hiện cả tỉnh Bình Dương đang xây dựng một thành phố thông minh, với rất nhiều nỗ lực. Tôi không đồng tình với ai đó, khi áp đặt cái gọi là TP “ma” đối với TP mới Bình Dương. Không nên dùng những từ ngữ như thế để nói về Bình Dương, gây ảnh hưởng tới sự phát triển... Tôi tin rằng, TP mới Bình Dương sẽ trở thành một đô thị thông minh, hiện đại.
Là doanh nhân có nhiều kinh nghiệm xây dựng những khu công nghiệp (KCN), khu đô thị...; ông sẽ góp phần như thế nào vào sự phát triển của TP thông minh mà tỉnh Bình Dương đang hướng tới ?
Từ con tim mình, tôi nguyện sẽ đầu tư, xây dựng dự án Đại Nam trở thành một “điểm sáng” trong sự phát triển chung của toàn TP mới Bình Dương. Tôi biết thời gian qua, Tổng Cty Becamex đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng TP mới Bình Dương văn minh, hiện đại. Giờ đây, tôi muốn khu dân cư Đại Nam sẽ là “ngòi nổ”, một “cú hích” kích hoạt, góp phần cùng Becamex thúc đẩy TP mới Bình Dương “bừng sáng” trong tương lai không xa.TP mới Bình Dương đã được Becamex xây dựng hạ tầng, đường sá tuyệt vời, quy hoạch khoa học... Nhưng làm gì để thu hút người dân đổ về sinh sống? Tôi cho rằng, cần phải xây dựng các “vùng đệm”, khu dân cư vệ tinh. Giống như một ngọn núi cao, liền kề phải có nhiều ngọn đồi... Từ chỗ thu hút dân cư đổ về, quá trình sàng lọc diễn ra... Ai khá hơn, có tiền thì tiến dần vô, mua nhà khu trung tâm. Thành phần công nhân, bình dân thì ở vùng đệm, vùng ven... Tựa như ở TPHCM, có trung tâm quận 1, quận 3, với vùng ven quận 7, quận 8...
TP mới Bình Dương là khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị, thì phải đáp ứng các yêu cầu này. Xây dựng khu dân cư thì phải có dịch vụ, có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... Lớp cư dân này sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng rất lớn: phát sinh dịch vụ mua sắm, ngân hàng, bán buôn.v.v... Chính nguồn thu này sẽ trở ngược lại giúp phát triển cả TP. Hơn bao giờ hết, TP mới Bình Dương cần những lực đẩy xung quanh tác động tương hỗ cho “hạt nhân” – trung tâm TP, cùng tạo ra sức bật phát triển mạnh mẽ chung cho toàn TP.
TP mới Bình Dương hướng tới trở thành một đô thị thông minh. Do vậy, dự án khu dân cư do doanh nghiệp của ông đầu tư, liệu cũng “thông minh”?
Chắc chắn sẽ khác, sẽ mới hơn những khu dân cư trước đây tôi từng đầu tư. Vì khu dân cư Đại Nam sát bên TP mới Bình Dương, nên quy mô đầu tư phải có sự tương thích. Tôi đã chuẩn bị mọi tiềm lực phải thật mạnh, để đầu tư cho dự án đúng chuẩn “thông minh” như TP mới Bình Dương. Nó là “vùng đệm”, là cửa ngõ dẫn vào trung tâm và hướng về TPHCM, nên nó phải được đầu tư đúng mức để trở thành một “điểm sáng”, tạo sự lan toả.v.v... Với kinh nghiệm của mình, tiềm lực có được, cộng với tấm lòng đối với Bình Dương, tôi sẽ làm hết mình để góp phần cho TP mới Bình Dương ngày một tươi sáng hơn.
Gần đây, nghe ông nói tới một sứ mệnh mà ông muốn thực hiện. Sứ mệnh đó là gì, ông có thể cho biết được không?
Tôi nay đã sắp bước qua cái tuổi 60, lẽ ra phải nghỉ ngơi. Nhưng dường như có điều gì đó thôi thúc trong tôi phải làm. Ngày xưa, tôi là người xây dựng KCN đầu tiên ở Việt Nam. Trải qua hàng chục năm, KCN đã giúp kinh tế đất nước phát triển. Song, cùng với sự phát triển đó, thì môi trường cũng bị ô nhiễm từ chất thải của KCN. Vì vậy, tôi nhận thấy bổn phận mình phải khắc phục hệ quả này. Nếu chậm trễ, môi trường bị huỷ hoại, thì chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ con cháu sau này.Từ bây giờ, tôi quyết định sẽ đầu tư vô lĩnh vực xử lý nước thải tại các “điểm nóng” - KCN. Trước mắt, tôi sẽ thực hiện xử lý nước thải ở các KCN ở Bình Dương và Bình Phước. Góp phần vào sự phát triển bền vững của 2 tỉnh này. Nỗ lực xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, có thể tái sử dụng... Rất vui là mọi việc trên, đều được sự đồng thuận của vợ tôi (bà Nguyễn Phương Hằng - Chủ tịch Quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam). Vợ chồng tôi xem đó là một sứ mệnh, dành cả phần đời còn lại cho việc làm ý nghĩa này, để khi nhắm mắt lìa đời, chúng tôi có thể cười mãn nguyện, vì đã sống và giúp ích cho cuộc đời này.
Cảm ơn ông đã dành cho báo Lao Động cuộc trao đổi thân tình!