Hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi
Sáng 19.10, tại hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp”, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là quốc nạn, gây bức xúc và tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và môi trường đầu tư.
Mặc dù năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỉ đồng nhưng nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM nêu lên một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều DN đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng.
Tuy nhiên, đây cũng là kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội. Theo ông Bách, những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử rất “tinh vi” và phức tạp nên khó xử lý.
Cũng theo ông Bách, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước và cũng là nơi sản xuất, kinh doanh hàng giả hiệu nhiều nhất nước. Ông Bách nói rằng, nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các tuyến đường kinh doanh đã thu giữ rất nhiều hàng xa xỉ giả hiệu đắt tiền.
Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết là tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhưng do có lợi nhuận rất cao và hình thức xử phạt còn nhẹ.
Cần giải pháp mạnh đủ sức răn đe
Phó Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Bùi Thế Chuyên cho biết, thiệt hại do phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây ra cho ngành nông nghiệp 2-2,5 tỉ USD.
Để hạn chế phân bón giả, kém chất lượng, ông Chuyên cho rằng, các DN cần phải chủ động để bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường công tác phát hiện và hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả.
Đại diện Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) cho biết, thực trạng gian lận thương mại trong kinh doanh ắc quy nhập khẩu đã diễn ra nhiều năm và tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tăng và gây nhức nhối cho thị trường. Để đảm bảo công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chất lượng ắc quy nhập khẩu để đảm bảo chất lượng thực của sản phẩm đúng với công bố trên bao bì và phù hợp các yêu cầu về an toàn, môi trường như đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Lê Quốc Phong - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ, phân bón giả, kém chất lượng các DN đừng trông chờ vào các cơ quan chức năng mà hãy tự bảo vệ mình bằng cách quản lý đến từng đại lý, từng bao phân bón. Khi quản lý đến từng bao phân bón, khi một khu vực xuất hiện một bao phân bón lạ sẽ biết ngay.
Ngoài các DN tự cứu mình, các cơ quan chức năng cần xem xét lại đối với chế tài xử lý hàng gian, hàng giả vì khung hình phạt hiện nay quá nhẹ chưa đủ sức răn đe.
Mặt khác, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải đưa ra những giải pháp chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cụ thể và chặt chẽ để tiến tới rút giấy phép, xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm lớn.