Thông tin từ cuộc họp cho hay: Hiện có hơn 800 doanh nghiệp có nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên, xả ra hệ thống sông Đồng Nai. Tổng cộng có hơn 160.000 m3/ngày đêm đã được các doanh nghiệp xả thải, gây nhiều lo ngại về nguy cơ ô nhiễm cho hệ thống sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc năm 2017, 2018 của Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam cho thấy, chất lượng nước trên hệ thống sông Đồng Nai ở khu vực thượng nguồn và trung lưu trên các sông chính còn khá tốt, có thể sử dụng cho cấp nước sinh hoạt.
Trong 2 năm qua, Ủy ban BVMT sông Đồng Nai đã phối hợp với các tỉnh, thành thuộc lưu vực kiểm soát chặt các nguồn thải để ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Các địa phương đầu nguồn đã chú trọng công tác trồng, bảo vệ rừng, mở rộng đầu tư mạng lưới quan trắc tự động.
Xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải ra lưu vực sông Đồng Nai, lập bản đồ nguồn ô nhiễm nước trên toàn lưu vực để xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý theo lộ trình từng năm.
Cuộc họp trên đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, tập trung thanh - kiểm tra các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế...
Hiện tại, Bộ TN&MT đã và đang phối hợp với Ủy ban BVMT sông Đồng Nai kiến nghị với Chính phủ thành lập Ủy ban lưu vực sông trên cả nước. Trong đó, có Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai.
Tại phiên họp này, chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ thứ 4 (2019-2020) đã được chuyển giao từ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Đinh Quốc Thái, sang cho ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.