Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, tỉ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70%...
Giám đốc Tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch, tạo ra lượng khí thải nhà kính khá lớn. Để đạt được mục tiêu cam kết theo COP26, việc chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt khối doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, là yêu cầu bắt buộc.
Ông Minh cũng chỉ rõ, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan đối với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu.
Ông cũng chỉ ra việc đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích từ chính phủ; được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tạo ra lợi nhuần bền vững, thương hiệu tạo ấn tượng tốt với khách hàng…
Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam cho biết, còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam từ việc bất đồng bộ hạ tầng lưới điện; thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Đại diện FPT Digital đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp chuyển đổi năng lượng cùng chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giúp kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh, hiệu quả, chính xác trên toàn bộ chuỗi giá trị doanh nghiệp.
Nếu kết hợp một cách đồng bộ, toàn diện sẽ tạo nên chiến lược chuyển đổi kép, giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt và hướng tới phát triển bền vững.