Theo UBND TPHCM, hệ thống giáo dục nghề nghiệp thành phố những năm qua có nhiều biến động. Nếu tại thời điểm ngày 31.12.2019, thành phố có 478 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục thì đến ngày 31.12.2023, còn 301 cơ sở giáo. Trong đó, chỉ riêng năm 2022 và năm 2023, có đến 183 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã ngưng hoạt động do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19…
UBND thành phố cho rằng, khó khăn, vướng mắc trong chính sách xã hội hóa ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chủ yếu là chính sách về đất đai. Bên cạnh việc khó tiếp cận với quỹ đất có quy hoạch đất giáo dục - đào tạo thì việc tiếp cận đối với các cơ sở nhà đất có nguồn gốc nhà đất đang trong tình trạng không sử dụng cũng gặp khó khăn vì các quy định trong quản lý và sử dụng tài sản công.
Về nguồn lực xã hội hóa, việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chưa được các đơn vị dành sự quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc xác định ngành, nghề mũi nhọn, trọng tâm cũng chưa được các đơn vị quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng lãng phí, xuống cấp ở một số ngành nghề đã tập trung đầu tư nhưng lại không tuyển sinh được.
Một khó khăn khác là công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục quan tâm thực hiện, do đó, chưa nâng cao uy tín trong hoạt động đào tạo nghề và không tạo được lợi thế cạnh tranh trong công tác tuyển sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.
UBND thành phố cũng đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích xã hội hóa đến năm 2025 như xây dựng cơ chế chính sách cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập được chủ động liên kết ở nhiều hình thức và mức độ để nâng cao khả năng thu hút người học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Xây dựng khung chính sách, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, chất lượng cao, hệ thống chính sách gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất cùng tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Phát triển chiến lược quy hoạch đất đai linh hoạt và hiệu quả để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đủ diện tích đất theo quy định...
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất Bộ LĐTBXH xây dựng, hướng dẫn cơ chế, chính sách cho thuê đất, giảm thuế... tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nhằm đảm bảo quy định về xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng với các đối tác nước ngoài.