Ngày 7.5, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại TPHCM giai đoạn 2024 – 2025.
Theo đó, thành phố sẽ tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (gọi chung là bệnh không lây nhiễm) và các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác (gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần), nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Thành phố cũng đặt ra các mục tiêu đáng chú ý đến 2025 như 100% bệnh nhân tâm thần được cấp thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 70% người phát hiện nguy cơ tim mạch được thực hiện các biện pháp quản lý điều trị dự phòng theo quy định; ít nhất 50% người trưởng thành, trong đó 80% người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp 1 lần/năm để phát hiện sớm tăng huyết áp; ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường; ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư…
Để thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu như truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; Tăng cường, củng cố năng lực, nhân lực của mạng lưới y tế cơ sở để phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; Thực hiện khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm gắn với lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 ưu tiên khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi giúp phát hiện sớm bệnh, quản lý điều trị sớm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân...
Đối với phòng, chống bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, thành phố triển khai cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các biện pháp để phát hiện sớm rối loạn sức khỏe tâm thần cho người dân, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao; Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần…