Ở các đô thị lớn như TPHCM, tỉ lệ trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp rất lớn. Đặc biệt, thời điểm giao mùa các bệnh lý về đường hô hấp liên tục xảy ra.

Chị Trần Hoài Thu (quận Phú Nhuận, TPHCM) có con gần 2 tuổi, trong giai đoạn này chị Thu thường xuyên chứng kiến con mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bé nghẹt mũi và ho liên tục mặc dù gia đình đã cố gắng chăm sóc bé.
“Con tôi còn nhỏ nên tôi nghĩ đường hô hấp của cháu còn yếu, dễ bị tấn công bởi khói bụi hay lây nhiễm từ bên ngoài. Mình cũng cố gắng bảo vệ, chăm sóc sạch sẽ cho con nhưng nhiều khi cũng không tránh khỏi, đến gặp bác sĩ thường xuyên mới yên tâm”, chị Hoài Thu chia sẻ.
Theo ThS.BS Trần Thiên Tài - Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân chính là do trẻ em tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường bên ngoài như vi trùng, siêu vi hay dị nguyên như mạt bụi nhà, khói bụi, nấm mốc, lông súc vật, thời tiết lạnh xâm nhập, gây bệnh.
Triệu chứng phổ biến như chảy mũi, nghẹt mũi, ho, sốt, đau rát họng, một số trẻ còn biến chứng nặng hơn như co giật. Khi thấy trẻ bệnh dai dẳng không dứt, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám kịp thời.
Để phòng ngừa các bệnh về hô hấp, cha mẹ cần tạo thói quen cho bé như:
- Rửa tay thường xuyên: Các bệnh hô hấp lây truyền qua nước bọt và dịch tiết từ mũi, khi trẻ tiếp xúc trực tiếp vào các bề mặt hãy thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Rửa mũi đúng cách: Rữa mũi đúng cách bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc các chế phẩm rửa mũi tương đương. Việc rửa mũi sẽ giúp loại bỏ sạch bụi bẩn, các vi sinh vật, các dị nguyên ở các ngóc ngách trong hố mũi. Từ đó giảm thiểu tối đa khả năng gây bệnh của các tác nhân, giúp phòng ngừa bệnh hữu hiệu.
- Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường, tại những nơi công cộng, khi tiếp xúc với người bệnh sẽ giúp ngăn ngừa tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, các dị nguyên gây dị ứng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Những bệnh hô hấp ở trẻ em thường lây qua dịch bắn khi ho, hắt hơi nên bé cần che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Khi che nên dùng khuỷu tay hoặc khăn giấy thay vì dùng tay.
- Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn đa dạng để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể cho cơ thể.
- Tiêm ngừa vaccine: Đưa trẻ đi tiêm ngừa vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh.
Đối với các thuốc như kháng sinh, kháng viêm, cha mẹ không được tùy ý sử dụng mà cần có toa và hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi sử dụng thuốc, ba mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn, liều dùng cũng như các thông tin về tác dụng không mong muốn, trong trường hợp có thắc mắc nên tư vấn thêm dược sĩ và bác sĩ.