Đây là sản phẩm sáng tạo độc đáo của anh Đào Quốc Thái (41tuổi) một nghệ nhân cây cảnh và anh Lý Mười (40 tuổi, cùng ngụ Bình Dương).
Cối đá xưa kia được làm từ khối đá xanh, có khối đá nặng cả tạ. Người dân đục đẽo hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Cối đá dùng để chế biến lương thực, có hai loại cối đá, cối xay và cối giã. Người dân sử dụng xay bột cho trẻ, để làm bánh, hay để giã cua nấu những bát canh dân giã.
Những chiếc cối từng là vật dụng phổ biến trong mỗi gia đình ở làng quê Việt Nam cả ngàn năm. Nhưng sang thế kỷ 21, cối đá đã vắng bóng, người dân không còn sử dụng nữa. Cối đá ông cha sử dụng hàng ngàn năm nay bị bỏ chỏng chơ một góc, hoặc bị vùi chôn dưới móng nhà.
Nhìn chiếc cối đá, anh Đào Quốc Thái hoài niệm về một thời chiếc cối đá đã gắn bó như tài sản văn hóa không tách rời của mỗi gia đình.
“Tôi đã lên mạng, nhờ bạn bè sưu tầm những cối đá ở khắp mọi miền rồi gửi về nhà ở Bình Dương bày trí trong khuôn viên. Những buổi sáng ngồi uống cà phê ngắm nhìn cối đã và bông hoa sứ thấy thư thái. Một hôm, tôi tự hỏi, mình có thể làm cho cối đá tự xoay được không, như ông bà ngày xưa vẫn sử dụng” – anh Thái cho biết.
Sau đó anh chia sẻ ý tưởng với người bạn thân là anh Lý Mười làm thợ cơ khí. Nhiều ngày suy nghĩ, hai anh chế một bộ bạc đạn để ở giữa và khoan hai chiếc lỗ bơm nước đẩy chiếc cối xoay. Ban đầu cối xoay theo chiều kim đồng hồ, nhưng sau này anh đã thiết kế lại để cối xoay ngược kim đồng hồ đúng theo vòng xoay của người dân chế biến lương thực khi xưa.
“Tôi muốn chiếc cối đá mãi xoay để ôn lại kỷ niệm của dân tộc, dạy con cháu trong nhà biết được ngày xưa ông bà đã sinh sống ra sao. Ngày xưa các loại bánh từ bột gạo được xay như thế nào hay trẻ làm sao để có bột ăn” – anh Thái chia sẻ.
Những chiếc cối đá nằm im qua bàn tay của anh Thái và anh Mười nay trở nên có hồn hơn, thu hút giới trẻ, lưu giữ văn hóa người Việt Nam bao đời.









