Quán có khoảng 50 nhân viên là những người khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần đảm nhận vai trò vận hành các nhân viên robot từ xa. Những người này ở khắp Nhật Bản và nước ngoài cũng như có một số làm việc trực tiếp tại quán.
Dawn Cafe ban đầu dự định khai trương vào năm ngoái, trùng với Paralympic, nhưng bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Những robot tại Dawn Cafe tên là OriHime, có trang bị camera, micrô và loa để người vận hành từ xa giao tiếp với khách đến quán.
Bởi là quán cà phê do robot phục vụ nên không gian quán không có cầu thang và có sàn gỗ nhẵn.
Có khoảng 20 robot thu nhỏ đặt ở nhiều khu vực của quán cà phê. Trong khi người vận hành robot trao đổi với khách thông qua các robot thu nhỏ, có 3 phiên bản robot hình người lớn hơn sẽ di chuyển xung quanh để phục vụ đồ uống hoặc chào đón khách hàng ở lối vào.
Trong quán cũng có một robot đảm nhận vai trò pha chế đeo tạp dề màu nâu ở quầy bar có thể pha cà phê bằng một máy kiểu Pháp.

Nhìn chung, robot ở Dawn Cafe chủ yếu là phương tiện để những người vận hành giao tiếp với khách hàng.
Dự án là ý tưởng của Kentaro Yoshifuji - một doanh nhân đồng sáng lập công ty Ory Laboratory chuyên sản xuất robot.
Sau khi trải qua biến cố sức khỏe tồi tệ khi còn nhỏ nên không thể đến trường, Kentaro Yoshifuji đã suy nghĩ về cách đưa mọi người tham gia lực lượng lao động ngay cả khi họ không thể rời khỏi nhà.
Kentaro Yoshifuji đã thành lập quán cà phê với sự hỗ trợ từ các công ty lớn và huy động vốn từ cộng đồng.
“Khách hàng không hẳn đến đây chỉ để gặp OriHime. Có những người điều hành OriHime ở hậu trường và khách hàng sẽ quay lại gặp họ lần nữa" - ông nói.