Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.
Chai/bình nhựa là một loại vật dụng chiếm phần lớn rác thải nhựa nhưng cũng là một chất liệu khá hữu ích trong cuộc sống của chúng ta.
Dưới đây là một số cách tái chế chai nhựa để tạo ra những vật dụng hữu ích cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường.
Tận dụng chai nhựa để tưới nước cho cây
Thay vì sử dụng bình tưới nước thì chúng ta có thể dùng chai /bình nhựa để đục lỗ nhỏ trên nắp chai và tưới nước cho cây. Lưu ý điều chỉnh các lỗ nhỏ trên nắp chai để tránh tình trạng tưới nước quá nhiều hay quá ít cho cây.

Chúng ta cũng có thể làm hệ thống tự động tưới nước cho cây bằng cách cắt bỏ phần đáy của chai rồi dùng vật nhọn tạo vài lỗ trên nắp chai.
Tiếp đến, đặt úp ngược chai vào chậu cây rồi dùng đất lấp chai để chai đứng vững. Từ từ đổ nước vào chai để nước men theo lỗ trên nắp chai thoát ra và ngấm vào đất.
Lưu ý, khi chọn loại chai tưới nước cho cây, chúng ta hãy chọn nhựa không chứa BPA (BPA là một chất hóa học nguy hiểm có thể phá hoạt nội tiết, gây ra khối u ung thư, làm nhiễm Melamin, các dị tật bẩm sinh và các rối loạn phát triển khác) để tốt cho cây trồng và tốt cho sức khỏe.
Tái chế bình nhựa thành chậu hoa
Nếu muốn trang trí cho góc làm việc của mình thêm bắt mắt thì có thể thiết kế lọ hoa để bàn từ lọ, chai nhựa.
Dùng dao rọc giấy cắt bình nhựa 1,5l làm đôi.
Dùng bút vẽ phác họa hình mèo hoặc thỏ rồi sau đó cắt theo đường vẽ.
Sơn màu trắng cho bình/chai nhựa rồi dùng bút khắc gỗ để trang trí hình mèo theo ý thích.
Cho đất và hạt mầm vào chậu rồi chăm sóc hàng ngày.
Dùng chai nhựa để tách lòng đỏ trứng
Nếu muốn tách lòng đỏ khỏi lòng trắng trứng nhanh thì có thể sử dụng chai nhựa để hút lòng đỏ.
Cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần đập trứng ra một cái bát (chén), rồi bóp nhẹ chai nhựa để hút lòng đỏ để riêng sang một bát khác. Lòng trắng trứng lúc này đã tách được lòng đỏ hoàn toàn giúp chế biến món ăn dễ dàng.