Bình Dương đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm
Các chỉ số tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý. Đời sống người dân, thu nhập người lao động được cải thiện. Tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng 8,29% (đạt kế hoạch 8-8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt kế hoạch là 169,8 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,63% - 22,23% - 2,69% - 7,45%.
Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,9% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 8,9%). Duy trì tỉ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99% kế hoạch.
Về thương mại - dịch vụ, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá. Tình hình cung ứng xăng dầu có thời điểm xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ nhưng đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỉ đồng, tăng 16,8% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 16%).
Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% (kế hoạch tăng 17%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỉ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 10%). Dự kiến giải ngân đầu tư công cả năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch.
Đầu tư trong nước đã thu hút 77.986 tỉ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế, toàn tỉnh có 59.105 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 608.000 tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài đã thu hút 2,84 tỉ USD. Lũy kế, toàn tỉnh có 4.076 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,67 tỉ USD.
Xác định mục tiêu và giải pháp phát triển cho năm 2023
UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã xác định 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 với 11 giải pháp trọng tâm. Trong đó, GRDP tăng 8,5-8,7% so với năm 2022.
Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tỉnh Bình Dương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số.

Tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành danh mục các ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ...
Trong năm 2023, các ngành của Bình Dương tiếp tục các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2023 tới, tỉnh chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế.
Chú trọng chính sách an sinh xã hội
Trước tình hình 250.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm ngắn hạn, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định đời sống cho người lao động. UBND tỉnh cũng chuẩn bị nguồn tài chính để chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động khó khăn trong dịp Tết. Tỉnh Bình Dương cũng thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội để thực hiện chính sách an sinh lâu dài cho người ngoại tỉnh.