Ban đầu, triển lãm “Những hiện diện vô hình” dự tính khai mạc vào ngày 23.4, đúng Ngày sách thế giới, nhưng do một số khó khăn khách quan, triển lãm phải dời đến ngày 18.5.
Nói về triển lãm, họa sĩ Bùi Quang Viễn cho biết: “Sách vừa là vật liệu, vừa là chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật của tôi. Là một người gắn bó với sách hơn 20 năm, ăn ngủ với sách, sống chết với sách. Tôi hiểu những niềm vui và nỗi buồn của sách.
Những lúc khó khăn tưởng như có thể buông xuôi, sách lại là nguồn động viên và thường có mặt kịp thời trước những ý định dại dột. Sách bên tôi. Vô hình. Như những quý nhân không lộ diện. Tôi luôn trân trọng và biết ơn. Những hiện diện vô hình! Một triển lãm nhằm ghi dấu kỉ niệm. Với sách”.
Triển lãm trưng bày tổng cộng 13 tác phẩm. Trong đó, 12 bức tranh chất liệu tổng hợp (mixed media painting) với sách là thành phần chính, và 1 tác phẩm sắp đặt (installation art).
Tác phẩm sắp đặt, chỉ là một kệ sách bình thường như mọi kệ sách thường thấy, nhưng tất cả đều được sơn phủ một màu trắng tinh - kể cả sách. Và tác phẩm được đặt ở một góc khuất khá khiêm tốn trong không gian triển lãm.
Tuy vậy, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, đây là tác phẩm “đáng chú ý nhất” trong triển lãm.
“Nó thể hiện cái nhìn thông minh với những suy tư sâu sắc của tác giả về sách. Đó không còn là một thế giới sự vật, đồ vật mà người ta có thể trưng bày hay đốt bỏ.
Đó là một thế giới siêu hình của những ý nghĩa và giá trị. Đó là thế giới, trong đó, người ta có thể xuôi ngược các chiều kích không gian và thời gian của lịch sử văn minh và tinh thần nhân loại...
Cái kệ sách được phủ toàn bộ bằng màu trắng này, là một sự “hiện diện vô hình” buộc người xem phải nghiền ngẫm về cái nội hàm văn hóa và tư tưởng ẩn sâu trong thế giới sách...”.
Riêng về 12 bức tranh chất liệu tổng hợp lấy sách làm thành phần chính, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: “Đúng như tác giả tự bạch, sách ở đây, vừa là vật liệu, vừa là chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng.
Vật liệu để tạo hình, chất liệu để thể hiện các cảm nhận và suy tư về sách, và tất cả nhằm biểu hiện các cảm xúc trữ tình thế sự và siêu hình nơi chính anh về văn hóa đọc, về môi trường văn hóa xã hội nói chung...
Trong đó, có những cuốn sách còn mới tinh, có những cuốn sách cũ nát, có những cuốn sách bị xé rách, có những cuốn sách bị ngập nước cong vênh, có những cuốn sách bị mối mọt ăn lỗ chỗ...
Sự khác nhau này, trước hết, là sự khác nhau ở bề mặt vật liệu tạo thành những tình huống khác nhau trong hình thức tạo thành tác phẩm.
Nhưng quan trọng hơn, đó còn là những chỉ hiệu khác nhau, biến sách thành chất liệu cấu thành một “trạng thái hiện hữu” của tác phẩm, mở ra nhiều liên tưởng, suy tưởng khác nhau nơi người xem...”.