BHXH TPHCM hiện đang quản lý 187.000 doanh nghiệp (DN) tham gia BHXH, cùng với đó là công tác thu chi quản lý đối tượng rất lớn. BHXH TP cũng đang ký hợp đồng với 178 cơ sở khám chữa bệnh, với số chi hàng ngàn tỉ đồng. Trước khối lượng công việc đó, theo ông Mến cần phải có các chế tài đủ mạnh vì nhiều đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Ngoài việc Tòa án nhân dân cấp cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn các điều luật của Bộ luật hình sự về các tội liên quan đến bảo hiểm thì ông Mến cho rằng, theo dự thảo, khi truy tố hành vi phạm tội theo điều 216 Bộ luật hình sự thì chỉ có người lao động (NLĐ) được tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Điều này gây khó và ảnh hưởng đến thời gian tố tụng trong trường hợp đơn vị có số lao động lớn. Vì vậy, đề nghị mở rộng quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện.
Mặt khác, theo quy định của Luật BHXH, cơ quan BHXH có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN gây thiệt hại trực tiếp cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện trách nhiệm được giao, làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ảnh hưởng đến an toàn và cân đối quỹ trong ngắn hạn và dài hạn. Do đó, việc giao quyền cho cơ quan BHXH khởi kiện DN nợ BHXH là hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Mến cho rằng, hiện nay cơ quan BHXH chỉ được phép thanh tra, xử phạt trong lĩnh vực thu BHXH, thẩm quyền hạn chế trong khi vi phạm liên quan đến BHXH rất đa dạng. Vì vậy đề nghị Tòa án nghiên cứu cùng các cơ quan, ban ngành để có hướng giải quyết cho cơ quan BHXH được thanh tra toàn diện các mặt liên quan như thu chi, chế độ chính sách trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN…
Theo ông Mến, những giải pháp song hành hợp lý này sẽ cùng với chế tài hình sự góp phần giảm tình trạng trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.