Đó là chia sẻ của các chuyên gia, khách mời trong chương trình “Thế Giới Việc Làm – Tầm Nhìn 2020” (World of Work Vision 2020). Sự kiện đã thu hút sự tham dự của 50 đại diện cấp cao của các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong và ngoài nước.
Người đi làm cần sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi
Ông Simon Matthews, Tổng Giám Đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông viện dẫn nghiên cứu “Cuộc Cách Mạng Kỹ Năng 4.0” do đơn vị này triển khai trên 19.000 nhà tuyển dụng tại 44 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu cho thấy, tự động hóa sẽ không lấy hết công việc của con người vì có đến 87% nhà tuyển dụng trên toàn cầu lên kế hoạch gia tăng hoặc duy trì số nhân viên do ứng dụng tự động hóa. Đồng thời, những tổ chức đầu tư vào kỹ thuật số và công nghệ đang tạo ra nhiều việc làm nhất.
Ông nhấn mạnh: “Việc nâng cao kỹ năng ngày càng trở nên cấp thiết, dự tính đến năm 2020, sẽ có 84% DN lên kế hoạch nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của họ, so với chỉ 21% của năm 2011”.

Tại Việt Nam, tuy với lực lượng lao động khoảng 57,5 triệu người, Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Theo Tổng chỉ số Lao động Việt Nam năm 2018, lực lượng lao động có kỹ năng cao trong nước chỉ chiếm 11% trên tổng số lao động, trong khi lao động không có kỹ năng chiếm đến 40% và có kỹ năng trung bình chiếm 49%.
Bà Trương Bích Đào - Giám Đốc Nhân Sự Cty Nestlé Việt Nam, cho biết: “Những gì NLĐ học được từ trường lớp chỉ tác động 10% công việc, những gì họ học được từ đồng nghiệp chiếm 20% và việc tự tìm tòi phát triển bản thân trong công việc sẽ chiếm 70% còn lại. Do đó, hai yếu tố quan trọng đối với một nhân viên khi đi làm là tinh thần sẵn sàng học hỏi và sẵn sàng thích nghi với thay đổi. Tương tự các DN, NLĐ cũng cần thay đổi, điều đó giúp họ “sống còn” trong cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0”
Giáo Sư Gael McDonald - Hiệu Trưởng Trường Đại Học RMIT Việt Nam cho rằng, việc đào tạo cần phải cập nhật theo sự thay đổi của thế giới việc làm, trong đó DN đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển nhân tài, phối hợp với các trường xây dựng chương trình đào tạo. Qua việc đầu tư cho đào tạo và phát triển nhân viên, các DN sẽ trở thành nơi xây dựng nhân tài thay vì chỉ sử dụng nhân tài như trước đây.
Lao động Việt Nam sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà
Tại sự kiện, các ý kiến cho rằng, thông qua hiệp định Tự Do Thương Mại Việt Nam Châu Âu (EVFTA) và Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thài Bình Dương (CPTPP), việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia sẽ trở nên dễ dàng hơn, tạo ra sự cạnh tranh giữa lực lượng lao động Việc Nam và nước ngoài. Thách thức đối với NLĐ Việt Nam không chỉ là tự động hóa hay robot, nhưng chính là sự cạnh tranh với lực lượng lao động từ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tác động tích cực lên lực lượng lao động trong nước, thúc đẩy NLĐ Việt Nam nâng cấp kỹ năng và cạnh tranh tốt hơn.

Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng được cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, các DN Việt Nam nên đầu tư vào chiến lược đào tạo nhân lực dài hạn, qua đó trang bị cho NLĐ những kỹ năng cần thiết để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
"NLĐ Việt Nam cần phải học hỏi để thích nghi với tương lai việc làm. Với các cơ hội nâng cấp kỹ năng của chính mình đang trở thành xu hướng của các công ty, lực lượng lao động trong nước sẽ có cơ hội để cải thiện năng suất lao động của mình", ông Simon Matthews chia sẻ.