Công nhân Đà Nẵng sợ con bị bạo hành, lo giá điện nước ngày một tăng

Thùy Trang |

Bảo mẫu cho trẻ nằm dưới nền nhà rồi đổ thức ăn liên tục, cháu nào không ăn thì bị đánh, tát. Đứa trẻ khác mới hơn một tuổi bị xách đầu lên,… là những hình ảnh vẫn còn ám ảnh đối với những phụ huynh (trong đó có không ít công nhân có con nhỏ phải gửi ở những nhóm trẻ tư thục tại Đà Nẵng) sau khi vụ việc bạo hành tại nhóm trẻ Mẹ Mười bị phát hiện.  Thế nhưng cuộc sống họ hằng ngày cũng đang bủa vây bởi những lo lắng khác từ giá điện, giá nước cao gấp nhiều lần so với quy định nhà nước.

Thiếu trường công lập, “không kham nổi” 1.000 cở sở tư thục độc lập

Những hình ảnh trẻ nhỏ 15 đến 18 tháng tại một nhóm trẻ tư thục Đà Nẵng bị bảo mẫu bạo hành vẫn còn ám ảnh người làm cha mẹ, trong đó có không ít công nhân lao động nghèo. Những vụ việc tương tự chưa ai dám nói sẽ không tiếp diễn khi mà chính quyền Đà Nẵng hiện vẫn loay hoay tháo gỡ tình trạng thiếu trường công, quản không nổi các nhóm trẻ độc lập tư thực… Theo quy hoạch, mỗi quận tại Đà Nẵng có 3 trường mầm non nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng. Thế nhưng con số này không thể đủ với hàng nghìn lao động, đặc biệt là những khu vực có đông công nhân như quận Liên Chiểu.

Chị Nguyễn Thị Thêu, công nhân tại khu vực này chia sẻ: “Vì lý do công việc phải làm cả ngày, có khi tăng ca, công nhân chúng tôi phải gửi con 9 giờ đồng hồ ở nhà trẻ. Trường công lập hiện nay không có đủ chỗ cho các cháu dưới 18 tháng nên chúng tôi phải mang ra gửi tư. Vậy nhưng những trường có camera giám sát thì học phí quá cao. Đa phần con em chúng tôi phải học ở trường nhỏ nhưng trước sự việc bạo hành vừa qua, ai cũng lo sợ liệu bao giờ đến lượt con mình?”

Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quận Liên Chiểu cho biết, hệ thống trường lớp là vấn đề bức xúc của cả nước. Cơ sở vật chất để nhận các em nhỏ từ 6 đến 18 tháng tuổi không chỉ riêng Liên Chiểu mà nhiều nơi đều không đảm bảo. Thêm nữa, việc các quận chỉ được tuyển sinh đúng tuyến, tức là các em nhỏ tạm trú thì không nằm trong kế hoạch của quận là một bất cập. Bởi, đa số công nhân là người ngoại tỉnh, chỉ mới tạm trú nên con em họ không được học những trường trong khu vực.

“Riêng về vấn nạn bạo hành, Phòng GD-ĐT khuyến cáo, mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng mong các ông bố bà mẹ chọn nơi gửi con uy tín để tránh trường hợp như vừa qua” – bà Hoa chia sẻ.
Nhưng làm sao để biết được nơi nào chất lượng, nơi nào không có bạo hành để gửi con? Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng cuối tuần qua, các đại biểu đề nghị Sở GD-ĐT phải công bố có bao nhiêu cơ sở gửi trẻ phù hợp với mức lương công nhân, chất lượng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm,... cho người dân được biết.

Không chỉ vậy, bên cạnh vấn đề bức xúc về trường lớp, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, ngoài các trường công lập ra, Đà Nẵng hiện có 1.033 nhóm trẻ độc lập. Số lượng các cơ sở quá lớn này khiến cho việc, “dù có cố gắng bằng mọi cách từ văn bản chỉ đạo, họp bàn, kiểm tra, kể cả những chỉ đạo nóng khi nhìn từ những vụ việc khác trên cả nước của Chủ tịch thành phố cũng không thể quản lý hết” - ông Vĩnh cho hay. 

Gánh nặng từ giá điện, nước tăng cao hơn quy định

Có một thực tế là, không ít công nhân nghèo tại Đà Nẵng buộc phải gửi con ở những nhóm trẻ có học phí rẻ, không có camera giám sát. Thế nhưng cũng từ nhiều năm nay, họ còn đang phải gánh giá điện nước cao bất thường.

Chị Lan Phương, công nhân quận Liên Chiểu bức xúc:“Không biết bên thành phố và công ty điện, nước có quy định chung về giá điện, nước cho người thuê trọ hay không nhưng giá nước dành cho cho chúng tôi rất cao và chênh lệch nhau khó hiểu. Nhiều nơi thu 2.500 đồng/số, nhiều nơi khác thu 3.000 đồng/số. Nước thì nơi thu 5.000, nơi thu 7.000 đồng/khối. Thêm nữa, có thực tế không bình đẳng là, làm công nhân đi thuê trọ, ai cũng rất khó khăn nhưng có người khiếu nại thì được giải quyết, vậy sao không giải quyết luôn cho tất cả chúng tôi để công bằng?” – chị Phương đặt vấn đề.

Ghi nhận tại tuyến đường Phạm Như Xương, Nguyễn Khuyến thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là nơi tập trung các dãy trọ sinh viên và công nhân lao động. Theo chia sẻ của nhiều công nhân ở trọ thì từ lâu, giá điện của các phòng trọ ở đây thường cao gấp đôi là 3.000 đồng đến 3.500 đồng/số điện, nhiều nơi cao gấp 3 lần so với giá nhà nước quy định. Các chủ trọ lắp một công tơ điện ở trước các phòng, tuy nhiên chất lượng của những chiếc công tơ điện này cũng không được đảm bảo vì chúng đã quá cũ. 

Đối với những công nhân ở một mình, vào mùa đông, chỉ thắp 1 bóng đèn và sử dụng điện để nấu cơm thì một tháng trung bình khoảng 80.000 đồng tiền điện, còn nếu vào mùa hè thì có máy quạt, tiền điện sẽ tăng cao chóng mặt. Những phòng sử dụng bếp điện để nấu nướng thì giá tiền điện luôn trên 250.000 đồng.

Nhiều lao động đặt nghi vấn về độ chính xác của các công tơ điện. Việc ghi chép số điện ở các công tơ thường do chủ trọ làm và không có báo trước, sinh viên không thường xuyên ở trọ, đến cuối tháng sẽ được nhận giấy báo về phòng. Đôi khi rất vô lý khi đến 3 tháng, số tiền điện là giống nhau.

Đối với tiền nước, thường thì mỗi người sẽ phải trả từ 25.000 đến 30.000 đồng cho 1 tháng nước. Tiền nước không có đồng hồ đo đạt mà là mức giá chung. Tuy nhiên, vào mùa hè, hoặc các giờ cao điểm người dân dùng nước như 5h chiều hoặc 7h sáng thường xuyên diễn ra tình rạng mất nước. Đối với các tháng hè, chủ trọ sẽ yêu cầu sinh viên nộp thêm từ 5.000 đến 15.000 đồng. Đây là khoảng tiền mà theo chủ trọ là các tháng hè, sinh viên dùng nước nhiều hơn.

Trước thực trạng đó, ông Đàm Quang Hưng – Chủ tịch quận Liên Chiểu cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng cùng các tổ tự quản, tiến hành kiểm tra việc này. Tuy nhiên, vấn đề xử lý đến đâu và các chủ trọng chấp hành như thế nào vẫn chưa ai chắc chắn được?  

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

"Làm tròn" cuộc đời nhờ nghề tranh ghép gỗ

MAI PHƯƠNG |

Đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM ai cũng bất ngờ trước hình ảnh một chàng trai nhỏ bé, bị liệt cả hai chân đang tận tình chỉ bảo cho người khuyết tật học tranh ghép gỗ. Từng cử chỉ khéo léo, tỉ mỉ, anh Nguyễn Văn Út (1982, quê ở Kiên Giang) đã biến những mảnh gỗ vô tri vô giác thành những hộp đựng bút, những bức tranh ghép gỗ tinh xảo, có hồn.

Giúp công nhân được nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài

AN NHIÊN – MAI PHƯƠNG |

Theo nghiên cứu của Dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và phát triển), tại Việt Nam chỉ có 24% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn, và chỉ 22% trẻ được bú sữa mẹ đến 2 tuổi. Nhưng tỷ lệ này có thể thấp hơn đối với công nhân (CN) làm việc tại nhà máy. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Liên – Trưởng Ban nữ công (LĐLĐ TPHCM), để CN được nuôi con bằng sữa mẹ, họ rất cần được hỗ trợ, đặc biệt là từ doanh nghiệp (DN).

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.

"Làm tròn" cuộc đời nhờ nghề tranh ghép gỗ

MAI PHƯƠNG |

Đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM ai cũng bất ngờ trước hình ảnh một chàng trai nhỏ bé, bị liệt cả hai chân đang tận tình chỉ bảo cho người khuyết tật học tranh ghép gỗ. Từng cử chỉ khéo léo, tỉ mỉ, anh Nguyễn Văn Út (1982, quê ở Kiên Giang) đã biến những mảnh gỗ vô tri vô giác thành những hộp đựng bút, những bức tranh ghép gỗ tinh xảo, có hồn.

Giúp công nhân được nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài

AN NHIÊN – MAI PHƯƠNG |

Theo nghiên cứu của Dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và phát triển), tại Việt Nam chỉ có 24% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn, và chỉ 22% trẻ được bú sữa mẹ đến 2 tuổi. Nhưng tỷ lệ này có thể thấp hơn đối với công nhân (CN) làm việc tại nhà máy. Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Liên – Trưởng Ban nữ công (LĐLĐ TPHCM), để CN được nuôi con bằng sữa mẹ, họ rất cần được hỗ trợ, đặc biệt là từ doanh nghiệp (DN).

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.