Mở xưởng cơ khí, gầy đàn heo, chuộc lại 4.000m2 đất gia sản
Một tấm gương điển hình được ngành công an Đồng Nai nhắc tới nhiều vì hiệu quả từ việc cho vay vốn và được vinh dự tham gia chương trình tổng kết 7 năm hoạt động của Quỹ này. Đó là trường hợp của anh Đỗ Tân Dụng, ngụ ấp 12, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ. Sau khi phải trả giá cho lỗi lầm của mình phạm phải trong quá khứ, mãn hạn tù, anh Dụng trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng, chịu sự định kiến của xã hội và bản thân thì tự ti vì từng phải chịu vòng lao lý. Nhưng anh Dụng đã biết vươn lên những khó khăn đó, vốn giỏi nghề hàn, ban đầu anh Dụng phải đi làm thợ hàn thuê để kiếm sống qua ngày.
Tuy nhiên, việc làm thuê chỉ đủ cho anh và gia đình cuộc sống khá chật vật, anh Dụng buộc phải mang vườn tiêu hơn 4.000m2 của gia đình đem đi cầm để trang trải nợ nần, đồng thời lo chuyện ăn hàng ngày, đóng tiền học phí cho con. Không cam chịu cuộc sống khó khăn, anh Dụng đã đăng ký vay Quỹ được 30 triệu đồng, mở một xưởng cơ khí nhỏ và mua thêm một con heo nái để nhân giống phát triển sau này. Bằng sự cần cù chịu khó, chỉ sau vài năm anh Dụng đã trở thành ông chủ gia công hàng sắt và đồng thời cũng là ông chủ trang trại chăn nuôi với 8 con heo nái và 70 con heo thịt lớn nhỏ, bình quân mỗi tháng thu nhập trên 20 triệu đồng. Có thu nhập anh Dụng còn chuộc lại được mảnh vườn tiêu hơn 4.000m2 đã cầm cố trước đây. Anh Đỗ Tân Dụng chia sẻ: "Thi hành xong án trở về địa phương, kinh tế vợ chồng khó khăn, được sự giúp đỡ của anh em xóm làng, địa phương hỗ trợ số vốn, tới nay kinh tế vợ chồng tôi tạm ổn định".
Một trường hợp khác cũng được vinh dự tôn vinh, đó là trường hợp anh Nguyễn Thanh Phúc, ấp 4, xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ sau khi chấp hành xong án phạt tù đã vay 20 triệu vay vốn mua dê về nuôi. Từ 4 dê mẹ và 8 dê con ban đầu, sau 3 năm chăm sóc kết hợp mua bán con giống, anh Phúc đã phát triển lên 120 con và tích cóp mua được xe tải để phục vụ việc mua bán dê. Hiện anh Phúc trở thành ông chủ kinh doanh mua bán dê giống với thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Thêm nhiều mảnh đời vươn lên sau vấp ngã
Cách đây 2 năm, chúng tôi gặp ông Vũ Ngọc Cường (SN 1975, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) - cũng trong dịp Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (2010-2015), thấy ông rạng rỡ, không như những ngày mới ra tù. Ông Cường đã vinh dự trở thành tấm gương điển hình cho việc phát triển kinh tế, làm ăn hiệu quả sau khi mãn hạn tù, ngoài ra còn tạo công văn việc làm cho nhiều lao động khác...
Ông Cường chia sẻ: Năm 2010, sau khi chấp hành án phạt tù 4 năm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tôi trở về địa phương nhưng bị bạn bè, người thân xa lánh, tôi không có việc làm, phải ở nhà phụ giúp gia đình làm rẫy. Lúc đầu, không biết gì và cũng không có vốn, nhưng được CA xã Bảo Vinh, TX Long Khánh hướng dẫn nuôi dê - thời điểm đó dê đang có giá, thức ăn dễ kiếm, không mất tiền mua, chỉ tốn công đi hái - nên tôi đã đồng ý. Được quỹ cho vay 30 triệu đồng, tôi đi mua 12 con dê cái. Sau, vay mượn thêm, mua tổng cộng 20 con và chỉ sau 1 năm, tôi đã nâng đàn dê lên gần 40 con. Tôi bán được 10 con dê thịt và có ngay tiền trả nợ cho quỹ. Tôi tiếp tục vay quỹ 30 triệu đồng, phát triển đàn dê lên 60 con và thuê 1 người chăm sóc.
Năm 2015, để mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Cường phát triển thêm nghề nuôi ong mật. Với gần 100 triệu đồng tiền bán dê, ông Cường đã đầu tư 200 thùng ong mật. Hiện ông Cường đang nuôi ong rất tốt tại Đắk Lắk và tạo việc làm cho 4 nhân công. Chỉ với số vốn ít ỏi từ nguồn vay của quỹ, đến nay, số vốn của ông Cường đã lên 300 triệu đồng. Trang trải hết nợ nần, ông vay mượn thêm và mua sắm mọi vật dụng cho gia đình, sửa sang nhà cửa.
Ông Cường cho biết: “Từ khi thấy tôi vươn lên trong cuộc sống, hàng xóm, bạn bè đã ghi nhận sự nỗ lực và có cái nhìn khác về tôi hơn. Tôi cũng mong những người lầm lỡ như tôi, trở về xã hội được vay vốn, được quan tâm để làm lại cuộc đời”.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai là tỉnh trọng điểm về tình hình an ninh trật tự trong khu vực và cả nước, mỗi năm tỉnh có khoảng 1.000 người mãn hạn tù người từ các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng và trung tâm cai nghiện trở về địa phương. Khảo sát tỷ lệ tái phạm tội khá cao do không có việc làm, không có vốn sản xuất kinh doanh, tự ti mặc cảm xã hội. Do đó, việc mở Quỹ Doanh nhân với ANTT đã giúp được nhiều người tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án xong.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh – GĐ CA tỉnh Đồng Nai cho biết: Xuất phát từ tình hình ANTT trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, trăn trở hàng chục ngàn người có quá khứ lầm lỗi trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2010, CA tỉnh Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Quỹ Doanh nhân với ANTT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để vận động các doanh nhân doanh nghiệp và toàn xã hội đóng góp kinh phí cho các trường hợp lầm lỡ vay vốn sản xuất kinh doanh có cuộc sống ổn định. Qua 7 năm hoạt động có trên 400 lượt đóng góp trên 16 tỷ đồng giải quyết hơn 1.000 trường hợp vay vốn với số tiền 22 tỷ đồng, làm ăn hiệu quả ổn định cuộc sống, nhiều người đã vươn lên làm giàu tạo công ăn việc làm cho người khác góp phần tích cực ngăn chặn tình trạng tái phạm tội của số người này.