TPHCM: Dân khốn đốn vì dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tiếp tục “trễ hẹn”

MINH QUÂN |

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TPHCM đã ngưng thi công từ tháng 4.2018 vì nhà đầu tư không được tái cấp vốn. Vướng mắc liên quan đến việc thay đổi xuất xứ, tiêu chuẩn thép, và rất có thể dự án sẽ không kịp về đích theo dự kiến là 30.6.2019.

Dự án bị “tố” thay đổi thép G7 sang thép Trung Quốc

Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TPHCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6.2016, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng kinh phí hơn 9.926 tỉ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6.2019). Lãnh đạo TPHCM sau đó yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30.4.2018. Tuy nhiên, do không có mặt bằng thi công các công trình phụ trợ, dự án chống ngập khổng lồ không thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Vào cuối tháng 4.2018, Tập đoàn Trung Nam đã có thông báo gửi UBND TPHCM về việc tạm dừng thi công dự án này. Nguyên nhân là do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân cho dự án, vì UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân là do đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng là Công ty Meinhardt báo cáo UBND TPHCM về việc chủ đầu tư dự án chống ngập sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Nhà đầu tư sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt.

Trước "cáo buộc" của đơn vị tư vấn giám sát, Tập đoàn Trung Nam khẳng định việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng, và hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, chủ đầu tư còn cho rằng việc thay đổi thép đã được Sở NNPTNT TPHCM đồng ý. Thậm chí nhà đầu tư còn cam kết bảo hành công trình 10 năm thay vì 3 năm như trong hợp đồng ký kết với TPHCM.

Trước tranh cãi này, mới đây, UBND TPHCM giao Sở Tư pháp rà soát, nghiên cứu kỹ các cơ sở pháp lý liên quan đến việc thay đổi vật tư xây dựng ở dự án chống ngập này. Theo đó, UBND TPHCM chỉ đạo sở rà soát lại theo hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất hướng xử lý. Hiện nay, UBND TPHCM cũng đang lập đoàn kiểm tra để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật và hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết để giải quyết, sớm tái khởi động dự án.

Dân tiếp tục bì bõm lội nước

Việc dự án chống ngập 10.000 tỉ ngưng hoạt động gần 5 tháng qua kéo theo nhiều hệ lụy. Trước mắt, đại công trường dang dở đang khiến nguồn nước sông, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề. Tại các khu vực thi công cống ngăn triều, từ khi thi công làm chắn ngang đoạn kênh, nước sông đen kịt, rác thải nổi lềnh bềnh. Hàng rào làm cống ngăn bờ kênh chỉ còn khoảng cách rất hẹp khoảng 3 - 3,5 m, nước chảy rất chậm. Khi triều lên, nước thoát không kịp khiến bèo, rác thải tích tụ lại bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực này.

Việc dự án chống ngập dang dở cũng khiến người dân phải đối mặt với tình trạng ngập như những năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Bình (người dân sống gần cầu Tân Thuận, Q.7), mùa mưa năm 2017 toàn bộ khu vực đường Trần Xuân Soạn trước cửa nhà ông liên tục ngập đến nửa mét do triều cường tràn qua đê bao dòng Kênh Tẻ. Từ khi nhận được thông tin hệ thống cống ngăn triều sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm nay ai cũng phấn khởi nhưng đến nay lại phải thất vọng vì công trình này còn dang dở. “Ban đầu, dự án hứa hoàn thành vào tháng 4.2018 lại được dời đến cuối năm 2019 và bây giờ thì không biết đến bao giờ xong” – ông Bình than thở.

TS Phạm Văn Long - Chủ nhiệm thiết kế của dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" mới đây cảnh báo, công trình được xây dựng trên nền đất yếu, chế độ bán nhật triều, nếu dừng thi công không đúng thời điểm, chẳng hạn như đã đào hố móng nhưng chưa đổ bê tông tầng đáy thì với áp lực dòng chảy rất lớn có thể gây sạt lở, mất an toàn cho công trình. “Cống Phú Định, một trong những hạng mục quan trọng của dự án đang có những hố đào rất sâu. Nếu nhà thầu ngưng thi công quá lâu sẽ rất nguy hiểm” - chuyên gia này cảnh báo. Về việc này, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam thừa nhận đơn vị rất lo việc đó và vừa qua đã cố gắng thi công đổ bê tông tầng đáy trong điều kiện đã ngưng giải ngân để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tại buổi giải trình với báo chí, ông Nguyễn Tâm Tiến cũng cho biết, việc dự án bị tạm dừng trong thời gian qua gây ra rất nhiều thiệt hại về tiến độ, lãi suất, nhân công, ước tính trung bình mỗi tháng là từ 17 - 20 tỉ đồng… Nếu không kịp thời giải quyết có thể dự án sẽ không kịp về đích theo dự kiến là 30.6.2019. “Càng kéo dài càng thiệt hại và kể cả nhà thầu, đơn vị thi công… Chúng tôi rất mong muốn hoàn thành sớm, chúng tôi cố gắng làm việc với UBND TP giải quyết dứt điểm cho dự án khởi động lại. Việc dự án khởi động lại sớm ngày nào thì chưa nói hiệu quả mà sẽ giúp ít phiền người dân hơn” - ông Nguyễn Tâm Tiến nói.  

Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" có quy mô 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Phú Xuân, Tân Thuận, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40 - 160m và khoảng 8km đê bao. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

TPHCM: Lắp hơn 500 camera giám sát thu phí ô tô đậu lòng đường

M.Q |

Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ triển khai gắn bổ sung hơn 500 camera giám sát trên 23 tuyến đường được phép đỗ xe có thu phí.

Làng chài nghèo “lên đời” nhờ du lịch

Nguyễn Tri |

Vài năm trở lại, Quy Nhơn nổi lên như một điểm đến thú vị với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ cách không xa đất liền. Những Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô... giúp hàng trăm người dân xã biển Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) “đổi đời” nhờ du lịch biển. Từ những ngư dân bám biển kiếm ăn qua ngày họ trở thành những ông chủ, bà chủ của những tour du lịch trải nghiệm đậm “chất” dân dã của miền biển.

Công nhân thời vụ bế tắc khi bị nợ tiền công

THÙY TRANG |

Gần một tháng qua, hàng chục công nhân thuộc các tổ thi công công trình Trung tâm Thương mại Hòa Bình Green (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cố bám trụ, mòn mỏi đợi tiền công. Hơn 2 tháng trước, họ bất ngờ được thông báo công trình ngừng thi công, chủ thầu thì phủi tay thông báo “hết tiền chi trả” theo hợp đồng. Nhiều anh em tổ đội trưởng các nhóm thi công phải cắm sổ đỏ, máy móc để lo cơm từng bữa.

Rước các bệnh truyền nhiễm từ thịt chó, mèo

KIM ĐỒNG |

Bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như virus dại, rối loạn đông máu, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả (những căn bệnh đe dọa người giết mổ, vận chuyển, tiếp xúc và ăn thịt chó, mèo)…

TPHCM: Lắp hơn 500 camera giám sát thu phí ô tô đậu lòng đường

M.Q |

Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ triển khai gắn bổ sung hơn 500 camera giám sát trên 23 tuyến đường được phép đỗ xe có thu phí.

Làng chài nghèo “lên đời” nhờ du lịch

Nguyễn Tri |

Vài năm trở lại, Quy Nhơn nổi lên như một điểm đến thú vị với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ cách không xa đất liền. Những Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô... giúp hàng trăm người dân xã biển Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) “đổi đời” nhờ du lịch biển. Từ những ngư dân bám biển kiếm ăn qua ngày họ trở thành những ông chủ, bà chủ của những tour du lịch trải nghiệm đậm “chất” dân dã của miền biển.

Công nhân thời vụ bế tắc khi bị nợ tiền công

THÙY TRANG |

Gần một tháng qua, hàng chục công nhân thuộc các tổ thi công công trình Trung tâm Thương mại Hòa Bình Green (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cố bám trụ, mòn mỏi đợi tiền công. Hơn 2 tháng trước, họ bất ngờ được thông báo công trình ngừng thi công, chủ thầu thì phủi tay thông báo “hết tiền chi trả” theo hợp đồng. Nhiều anh em tổ đội trưởng các nhóm thi công phải cắm sổ đỏ, máy móc để lo cơm từng bữa.

Rước các bệnh truyền nhiễm từ thịt chó, mèo

KIM ĐỒNG |

Bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như virus dại, rối loạn đông máu, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả (những căn bệnh đe dọa người giết mổ, vận chuyển, tiếp xúc và ăn thịt chó, mèo)…