Ngày 21.4, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo Khoa học quốc gia "Văn hoá nhà trường sư phạm - những vấn đề lý luận và thực tiễn" với sự tham gia của nhiều thầy cô, các chuyên gia giáo dục đến từ các trường sư phạm trên khắp cả nước.
Tại buổi hội thảo, việc xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm bởi nó có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của sinh viên sư phạm - những thầy cô giáo tương lai. Ở các trường sư phạm, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có tư tưởng, phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp cao để tương xứng với việc đào tạo giáo viên chất lượng trước yêu cầu đổi mới giáo dục của đất nước.
Trong đó, TS Đặng Thị Minh Tuấn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhấn mạnh việc xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.
Năm 2018, ngành Giáo dục đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng giáo dục đào tạo, gần 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thời điểm dịch COVID-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học, có tới 80% trường phổ thông, cơ sở đào tạo đã tổ chức học trực tuyến, trong đó 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã ảnh hưởng nhiều tới việc xây dựng văn hoá nhà trường sư phạm từ cách các giảng viên tương tác với sinh viên hay tạo ra sự thay đổi các mô hình học tập.
Bên cạnh những tác động tích cực, TS Đặng Thị Minh Tuấn cũng nhắc tới những ảnh hưởng tiêu cực của chuyển đổi số đối với xây dựng văn hoá học tập trong nhà trường sư phạm đó là việc các sinh viên sẽ sa đà vào mạng xã hội, trở nên thị động, từ đó không đáp ứng được yêu cầu phẩm chất, năng lực ngành sư phạm.
Bên cạnh vấn đề liên quan đến chuyển đổi số các phương pháp xây dựng môi trường văn hoá trong các trường sư phạm cũng được các thầy cô và chuyên gia quan tâm, thảo luận tại hội thảo.