Tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy việc làm và quản lý lao động diễn ra ngày 20.2, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2018 số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 143.000 người, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp đạt con số cao về việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, thị trường đông nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập – Xê út…
Tại đây, người lao động Việt Nam được đánh giá cao bởi sự tiếp cận nhanh với công việc và môi trường lao động của nước sở tại.
Một số ngành nghề mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt gồm: điều dưỡng, hộ lý; lao động một số lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, may mặc, xây dựng, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Theo Thứ trưởng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa xã hội cho người lao động trước khi xuất khẩu.
"Hiện nay, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 362 doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện và đề xuất xử lí các vấn đề vi phạm", ông Diệp nói.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bên cạnh dòng lao động ra nước ngoài làm việc, trong những năm gần đây số lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng.
Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép lao động). Số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp phép.
Trước những thực tế như vậy, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2019, Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường lao động, chủ động lựa chọn thị trường, đặc biệt sẽ thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tổ chức. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đào tạo trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi, để vừa đảm bảo thu nhập và tính cạnh tranh.