Khi ở bên kia con dốc cuộc đời

LÊ THỊ NGỌC VI |

Hôm nọ, hai vợ chồng có việc ra khỏi nhà mấy tiếng đồng hồ. Lúc về nhà, vừa mở cửa đã thấy khói mù mịt trong bếp. Thì ra, trước khi đi chồng chị có bắc nồi luộc vài quả trứng rồi quên tắt bếp. Cũng may, cái bếp hồng ngoại có chức năng tự ngắt điện khi nhiệt độ quá cao (mặc dù vậy, mấy quả trứng vẫn cháy đen) chứ nếu không, chưa biết hậu quả thế nào.

Kể lại với tôi mà giọng chị bạn vẫn chưa hết sợ. Chị kể, lần khác, cả nhà lên xe về nhà nội cách thành phố hơn trăm cây số. Vừa đến nơi thì được điện thoại của bác hàng xóm báo nhà chị chưa đóng cửa, cứ mở toang hoác như đang có người ở nhà. Vợ chồng tá hoả nhìn nhau, chẳng hiểu sao cả hai cùng đãng trí đến độ tót lên xe đi một mạch mà chẳng ai nhớ kiểm tra cửa nẻo trước khi rời đi xem đã khoá hết chưa. Cũng may nhờ bác hàng xóm tốt bụng sang báo tổ trưởng khu phố làm chứng rồi cùng nhau khoá tạm, vợ chồng chị phải tức tốc quay về ngay trong đêm.

Chị bảo, mới hơn năm mươi mà trí nhớ sa sút thấy rõ, chẳng phải do phụ nữ như chị đã qua vài lần sinh nở nên trí nhớ mau sút giảm như nhiều người thường nói mà chồng chị cũng thế, cứ nhớ trước quên sau, chuyện nọ xọ chuyện kia nên những việc cần nhớ, cả hai thường cài lịch nhắc trên điện thoại nhưng thi thoảng vẫn bị này nọ. Hậu quả khiến cả hai không chỉ lo lắng mà lắm khi họ còn quay ngược lại gắt gỏng nhau, người này cho là người kia đểnh đoảng trong khi người còn lại cứ bực bội mà không hiểu vì đâu mình lại ra nông nỗi.

Cô của tôi bị khó ngủ. Cũng phải thôi, ở cái tuổi ngấp nghé “thất thập”, mấy ai ngủ được ngon giấc một mạch tới sáng mà không bị rối loạn giấc ngủ. Đêm nào cũng vậy, khó khăn lắm cô mới chợp mắt được nhưng chỉ cần nghe ông mở cửa phòng cái két, ông lục đục trở mình hay hắt hơi một cái là cô thức ngay. Nhiều lần như thế, cô đâm quạu và nhất quyết đòi ngủ riêng vì ông cứ vô tư chả để ý trong khi cô nhạy cảm, cứ thế này hôm sau sẽ mệt vì mất ngủ. Ông gắt khi cô đòi ngủ riêng vì ở chung nhà với dâu, rể, từng tuổi này mà ngủ riêng thì con cái nghĩ sao?

Cô bạn thân kể, bố mẹ cô đang đòi ly hôn. Ở tuổi lục tuần, nói chuyện ly hôn cũng là chẳng đặng đừng nhưng còn sống chung ngày nào, ông bà còn khó chịu, bức bối ngày nấy, con cháu cũng chẳng được vui. Tưởng chuyện gì nghiêm trọng, hóa ra chẳng có lý do gì để gọi là, chỉ là cả hai bỗng dưng dễ cáu gắt, dễ nổi giận vì những chuyện không đâu. Ông đòi ra công viên tập dưỡng sinh có bạn tập chung cho vui, bà bảo ông già mà không nên nết, sắp chết đến nơi còn thích tụ tập, đàn đúm, không khéo ra đó lại sinh tật thèm… cỏ non. Ông trách bà lớn tuổi mà nói năng không giữ gìn để dâu con tôn trọng. Bà không muốn con trai ra riêng vì thích ở gần cháu nội, ông lại bảo bà thích ôm việc vào người, chăm con cháu rồi lại than mệt, than vướng tay vướng chân chẳng đi đâu được. Cứ thế, toàn những chuyện không đâu vào đâu nhưng cứ khiến ông bà hục hặc suốt, chẳng ai nhường ai. Lạ là lúc còn trẻ, ông nhường nhịn, yêu chìu bà bao nhiêu, bà nhỏ nhẹ, nhún nhường bấy nhiêu thì ở tuổi này, dường như chẳng ai cần giữ gìn, nhường nhịn nhau nữa, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, lắm lúc chẳng ai thèm nói động đến ai câu nào, tự nhủ im lặng để nhà cửa yên ổn nhưng thâm tâm mỗi người đều ấm ức khi cho rằng người kia không còn thương yêu, tôn trọng mình.

Ở bên kia con dốc cuộc đời, khi con cái, sự nghiệp không còn là thứ khiến người ta loay hoay nữa thì sống trọn vẹn cho mình, cho quãng đời ngắn ngủi còn lại mới là điều khiến những người lớn tuổi coi trọng hơn cả. Với tư tưởng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, khi quỹ thời gian của đời người dần thu hẹp lại, có nhiều người lại thích sống cho riêng mình, vì mình cho bõ những hy sinh, vất vả ngày còn trẻ. Việc bỗng dưng thay đổi vào quãng thời gian này khiến nhiều người ngoài cuộc đôi khi không hiểu cho là họ dở hơi hay thậm chí hồi xuân, trái tính trái nết.

Ngoài việc tìm hiểu thông tin về những đổi thay tuổi tác để có kiến thức về việc chăm sóc sức khoẻ ở tuổi “hưu”, hãy đặt mình vào vị trí người kia để cảm thông mà có cách ứng xử phù hợp, tế nhị tránh cho người bạn đời đỡ bị tổn thương. Từng đồng hành suốt một thời tuổi trẻ với bao khó khăn, thử thách còn vượt qua được, huống chi lúc về già, khi mà “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

LÊ THỊ NGỌC VI
TIN LIÊN QUAN

Mong muốn của đàn bà

MAI HẠNH |

Một lần bạn tôi cười, nửa đùa nửa thật: Tớ ước gì tuổi hưu nhanh đến để được nghỉ ngơi, sống thư thả một tí, không đầy rẫy áp lực như bây giờ. Và ước gì mình gặp được một người đàn ông yêu thương mình, ông chồng ấy “cho” mình mỗi tháng mấy triệu để đi chợ, trả tiền điện hàng tháng là hạnh phúc rồi.

Phụ nữ hiện đại

KIM DUY |

Trong 15 câu trả lời được bình chọn hay nhất trên một diễn đàn với câu hỏi: “Phụ nữ kiếm được nhiều tiền có tốt không”, chỉ có 3 ý kiến ủng hộ việc đàn ông phải là trụ cột gia đình, phải là người làm kinh tế chính, người phụ nữ làm ra tiền nhiều hơn chồng khó mà có hạnh phúc.

Nước mắt đàn ông

DIÊN VỸ |

Một hôm, vợ anh hỏi: “Anh có bao giờ nghĩ ngày nào đó sẽ tìm gặp hai đứa con xem chúng nó sống ra sao không?”. Anh ngậm ngùi không nói gì, mà lòng nhói đau. Hai đứa con, là vết thương lòng của anh, ngày càng rỉ máu. Vết thương anh tự gây cho mình.

Chồng có được nhận con nuôi khi vợ không đồng ý?

TS-LS NGUYỄNTHỊ THÚY HƯỜNG |

Anh N và chị S kết hôn với nhau đã nhiều năm nhưng khó có con. Anh chị chạy chữa mãi và cuối cùng cũng sinh được một con gái xinh xắn, đáng yêu. Cả gia đình rất ấm êm và hạnh phúc.

Mong muốn của đàn bà

MAI HẠNH |

Một lần bạn tôi cười, nửa đùa nửa thật: Tớ ước gì tuổi hưu nhanh đến để được nghỉ ngơi, sống thư thả một tí, không đầy rẫy áp lực như bây giờ. Và ước gì mình gặp được một người đàn ông yêu thương mình, ông chồng ấy “cho” mình mỗi tháng mấy triệu để đi chợ, trả tiền điện hàng tháng là hạnh phúc rồi.

Phụ nữ hiện đại

KIM DUY |

Trong 15 câu trả lời được bình chọn hay nhất trên một diễn đàn với câu hỏi: “Phụ nữ kiếm được nhiều tiền có tốt không”, chỉ có 3 ý kiến ủng hộ việc đàn ông phải là trụ cột gia đình, phải là người làm kinh tế chính, người phụ nữ làm ra tiền nhiều hơn chồng khó mà có hạnh phúc.

Nước mắt đàn ông

DIÊN VỸ |

Một hôm, vợ anh hỏi: “Anh có bao giờ nghĩ ngày nào đó sẽ tìm gặp hai đứa con xem chúng nó sống ra sao không?”. Anh ngậm ngùi không nói gì, mà lòng nhói đau. Hai đứa con, là vết thương lòng của anh, ngày càng rỉ máu. Vết thương anh tự gây cho mình.

Chồng có được nhận con nuôi khi vợ không đồng ý?

TS-LS NGUYỄNTHỊ THÚY HƯỜNG |

Anh N và chị S kết hôn với nhau đã nhiều năm nhưng khó có con. Anh chị chạy chữa mãi và cuối cùng cũng sinh được một con gái xinh xắn, đáng yêu. Cả gia đình rất ấm êm và hạnh phúc.