Điều trị mụn trứng cá cần tác động vào các nguyên nhân gây ra bệnh, nghĩa là làm giảm bài tiết chất bã, chống lại vi khuẩn, chống lại sừng hóa cổ tuyến bã.
Vệ sinh đúng cách để dự phòng tổn thương lan tỏa và tồn lưu. Có nhiều thuốc chữa bệnh trứng cá, điều trị tại chỗ chấm thuốc, bôi thuốc ngoài da kết hợp với điều trị toàn thân có thể uống kháng sinh, điều trị bằng làm lạnh, bằng tia X (nếu bệnh mụn nặng) hoặc phương pháp bào da.
Sản phẩm thuốc bôi chứa hoạt chất corticoid khá phổ biến trên thị trường. Người bệnh có thể dễ dàng tìm mua 1 typ thuốc bôi chứa corticoid và tự ý điều trị các bệnh ngoài da mà không hề qua sự thăm khám của các bác sĩ da liễu.
Chính điều đó đã dẫn đến việc sử dụng thuốc bôi chứa corticoid sai chỉ định, sử dụng không đúng liều lượng hoặc sử dụng quá dài ngày, dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
Trứng cá do corticoid là một trong những biến chứng khá thường gặp do việc sử dụng sai cách đó.
Trứng cá do thuốc bôi corticoid là 1 bệnh da phổ biến, có biểu hiện giống với trứng cá thông thường. Tổn thương là các dạng sẩn, viêm và mụn mủ đồng dạng, sẩn có dạng vòm kích thước đồng đều, màu hồng hoặc đỏ.
Tổn thương thường gặp ở vùng dùng thuốc bôi corticoid và xuất hiện sau dùng thuốc từ 2 đến 4 tuần hoặc vài tháng.
Thời gian dùng thuốc cần có sự theo dõi tiến trình của bệnh và chỉ định của bác sĩ trong vòng 4-8 tuần để có kết quả tốt. Không dùng thuốc trị mụn trứng cá theo sự mách bảo của người khác vì bệnh trứng cá là một bệnh ngoài da mà da của mỗi người lại có sự mẫn cảm khác nhau, có khi cùng một phác đồ điều trị, thuốc có tác dụng tốt đối với bạn nhưng lại không có tác dụng hoặc tác dụng chậm với người khác. Tùy theo thể lâm sàng mà cách điều trị và hiệu quả điều trị khác nhau. Do đó, bạn nên đi khám bệnh để được chẩn đoán, tư vấn và kê đơn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa da liễu.