Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) giảm thị lực do tật khúc xạ không được điều trị sẽ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, tật khúc xạ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc,… thậm chí gây mù lòa.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ là di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ không nhiều, thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị tật khúc xạ. Bố mẹ bị cận dưới 4 diop khả năng di truyền sang con khoảng 10%, bị cận từ 6 diop trở lên khả năng di truyền sang con lên tới trên 90%. Còn lại bệnh do yếu tố môi trường, do thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Cụ thể, ngồi sai tư thế hoặc nhìn quá gần ảnh hưởng đến việc điều tiết của mắt. Đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc không gian học tập, sinh hoạt thiếu ánh sáng, khiến mắt trẻ cần điều tiết quá độ. Lạm dụng các thiết bị điện tử (máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại) phát ra ánh sáng xanh. Đây là loại ánh sáng gần giống với tia cực tím nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây hại cho mắt. Chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu các chất cần thiết như vitamin A, Omega3, vitamin C, Canxi,....
Để nhận biết con trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh chú ý các dấu hiệu như trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn; Không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng; Việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt... Ngay khi phát hiện những biểu hiện này, phụ huynh hãy đưa trẻ đến các cơ sở y khoa chuyên khoa mắt để được thăm khám.