Trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện
Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc - Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng không tốt chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công và mắc bệnh, nhất là các bệnh cúm thông thường.
Theo bác sỹ Hồng Ngọc, sức đề kháng chính là khả năng phòng vệ của cơ thể để chống lại những tác nhân gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. "Đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên sức đề kháng yếu. Vì vậy, khi giao mùa, thời tiết thay đổi thì trẻ hay bị ho, cảm cúm, sốt,... nếu kéo dài có thể dẫn tới các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, sức đề kháng kém cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh thường gặp ở trẻ em như uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi..." - bác sỹ Ngọc nói.

Cho trẻ tiêm phòng để tăng sức đề kháng
Bác sỹ CKI Lê Thị Vân - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho rằng, sức đề kháng tốt chính là nền tảng cơ bản giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Riêng đối với trẻ nhỏ, thì điều này càng đóng vai trò quan trọng và mang yếu tố quyết định hơn.
Theo bác sỹ Vân, bố mẹ bảo vệ sức khỏe cho con không chỉ đơn thuần là đưa con đi chữa bệnh, mà cần chú trọng khả năng phòng bệnh cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần giúp con trẻ tăng sức đề kháng để chống lại tác nhân gây bệnh, trong đó tiêm phòng là một biện pháp được xem là hiệu quả trong y khoa.
"Cần phải tiêm phòng đầy đủ cho trẻ và không nên lạm dụng kháng sinh. Việc đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và đủ các mũi vắc xin có thể phòng ngừa một số bệnh như: viêm gan B, sởi, thủy đậu, ho gà, viêm não Nhật Bản, cúm mùa,..." - bác sỹ Vân cho biết.
Theo bác sỹ Vân, hiện có nhiều bố mẹ thường có thói quen sử dụng kháng sinh mỗi khi trẻ ốm, nhất là những bệnh cúm thông thường. Việc tự ý sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh dễ dẫn tới tình trạng nhờn thuốc, khi đó cơ thể trẻ khó có thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và dễ mắc bệnh hơn.
Dinh dưỡng đủ chất và cho trẻ vận động
Bác sỹ Bùi Việt Hoàng - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, để tăng sức đề kháng cho trẻ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cũng như vận động thể lực và ngủ đủ giấc.
Theo đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ là cần có rau xanh và trái cây. Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đủ 5 nhóm dưỡng chất cần thiết: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
"Trẻ nên ăn các loại trái cây cung cấp nhiều vitamin như: chuối, cam, quýt, nho, táo,… và một số loại rau xanh. Nên cho trẻ ăn các loại hạt thô chưa tinh chế và hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ" - bác sỹ Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, trong thời gian trẻ ở nhà nhiều ngày, cần cho trẻ ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Tùy theo độ tuổi, trẻ sơ sinh cần ngủ 18h/ngày, trẻ ở độ tuổi lớn hơn cần ngủ 10-14h/ngày. Đồng thời, cho trẻ uống đủ nước để đào thải chất độc là cách giữ cho trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
"Ngoài ăn và ngủ thì trẻ cũng cần phải vận động vui chơi để tăng cường thể lực. Trong lúc đang dịch bệnh, trẻ không ra ngoài vận động như đi bộ, đạp xe, bơi lội,… Do đó, bố mẹ nên cho trẻ vận động ngay tại nhà với các trò chơi đơn giản hoặc cho trẻ đi bộ lên xuống cầu thang" - bác sỹ Hoàng chia sẻ.