Là chuyên gia xuất hiện trong Vui khỏe đẹp mỗi ngày tuần này, Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Thanh Huy (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) cho biết: “Đường (hay glucose máu) là nguồn năng lượng chính của tất cả hoạt động trong cơ thể. Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose có trong máu thường được đo bằng đơn vị là mmol/l hoặc mg/dl”.
Chuyên gia khuyên rằng, nên đảm bảo ổn định đường huyết để tránh các biến chứng như: Các cơ quan trong cơ thể không đủ năng lượng khiến cho các hoạt động bị đình trệ; Gây ảnh hưởng hoạt động của não bộ và hồng cầu; Gây tổn thương tim, thận, mắt và thần kinh; Gây nhiễm toan ceton; Tăng áp lực thẩm thấu máu có thể gây hôn mê.
Bác sĩ Đặng Thanh Huy cho biết: “Lợi ích của việc ổn định đường huyết ở mức bình thường như: Giúp người khỏe mạnh sẽ hạn chế nguy cơ dẫn đến đái tháo đường; Giúp người tiền đái tháo đường hạn chế bệnh tiến triển thành đái tháo đường; Giúp người đang bị đái tháo đường kiểm soát bệnh, phòng ngừa biến chứng lên tim mạch, lên thận”.
Có nhiều yếu tố khiến đường huyết không ổn định như: Áp lực, căng thẳng; Chế độ sinh hoạt không hợp lý, ngủ nghỉ không đúng giờ giấc, gây mệt mỏi, nhịn bữa sáng khiến thiếu năng lượng; Sử dụng thuốc điều trị không hợp lý; Chế độ ăn uống không khoa học.
Bác sĩ lưu ý thêm, người bị đái tháo đường không chỉ phải kiêng ăn ngọt mà cũng cần cảnh giác với thức ăn mặn. Người bệnh đái tháo đường ăn nhiều muối sẽ tăng nguy cơ biến chứng tăng huyết áp, gây tổn thương thận khiến bệnh tiến triển nặng. Giảm mặn trong khẩu phần ăn không chỉ tốt cho người bệnh đái tháo đường mà còn tốt cho người bình thường vì sẽ giảm nguy cơ tăng huyết áp, cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Các nguyên tắc trong chế độ ăn giúp ổn định đường huyết như: Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói hoặc quá no; Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn uống đúng giờ; Bổ sung nước cho cơ thể đủ 40ml/kg cân nặng cơ thể mỗi ngày.
Đối với người bị tiểu đường cần tránh một số loại thực phẩm nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động. Khi chế biến biến thức ăn nên ưu tiên chế biến dạng hấp, luộc và hạn chế chiên, rán thức ăn. Cần vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn.
Bác sĩ lưu ý, người bị đái tháo đường nên bổ sung các loại thực phẩm nhóm bột đường cần thiết như hạt gạo còn nguyên vỏ cám; Nhóm cung cấp đạm như thịt, cá; Nhóm cung cấp chất béo không bão hòa như dầu đậu nành, dầu vừng; Nên ăn trái cây tươi; Ăn nhiều rau xanh giúp cung cấp chất xơ, vitamin. Cần tránh ăn các loại gạo trắng, dầu, phủ tạng động vật, mỡ động vật hay các loại trái cây quá ngọt; Giảm lượng muối tiêu thụ, ăn nhạt nhiều hơn.
Đặc biệt, chuyên gia còn giới thiệu cho các bệnh nhân đái tháo đường phương pháp đĩa thức ăn Plate method gồm: 1/2 đĩa là rau, 1/4 đĩa là nhóm cung cấp đạm và 1/4 còn lại chứa carbohydrate (bột, đường).