Học cách chung sống với bệnh ung thư có thể khó khăn và rất căng thẳng, người bệnh cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, gia đình và cần biết cách chăm sóc, phòng ngừa, theo dõi đúng.
TS Lê Thị Thu Nga, khoa Ung thư tổng hợp (A6D) - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, ngay cả khi đã điều trị xong, điều rất quan trọng là theo dõi các dấu hiệu ung thư hoặc tác dụng phụ của việc điều trị.
Một số tác dụng phụ của điều trị có thể kéo dài trong một thời gian dài hoặc thậm chí có thể nhiều năm sau khi bạn kết thúc điều trị. Các lần tái khám là thời điểm tốt để trao đổi với bác sĩ về bất kỳ thay đổi của bản thân. Đặc biệt những triệu chứng mới xuất hiện, bởi vì chúng có thể do ung thư tái phát hoặc do một căn bệnh mới hoặc ung thư thứ hai gây ra.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt thường có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Học cách thoải mái với cơ thể của bạn trong và sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt là một hành trình khác nhau đối với từng người.
Cũng theo TS Lê Thị Thu Nga, mỗi lần đến khám bệnh bạn sẽ được kiểm tra PSA và siêu âm tiền liệt tuyến (nếu tiền liệt tuyến chưa được cắt bỏ trước đó). Tần suất tái khám 3-6 tháng một lần hoặc lâu hơn trong 5 năm đầu tiên sau khi điều trị và ít nhất là hàng năm sau đó. Xạ hình xương hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác cũng có thể được thực hiện, tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng của bạn.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể tái phát thậm chí nhiều năm sau khi điều trị, đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải thường xuyên đi khám bác sĩ và báo cáo bất kỳ triệu chứng mới nào (chẳng hạn như đau xương hoặc các vấn đề về tiểu tiện).
Để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tiến triển hoặc quay trở lại cần:
- Hoạt động thể chất thường xuyên
- Bỏ hút thuốc
- Dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung