1. Mụn trứng cá là gì?
Trứng cá là một rối loạn thường gặp của nang lông tuyến bã. Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ và nang. Các tổn thương khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực.
Khoảng 80% trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ dậy thì.
2. Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Mụn trứng cá được hình thành do 4 nguyên nhân chính sau:
- Sừng hóa cổ nang lông
- Tăng tiết chất bã
- Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes)
- Quá trình viêm.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác liên quan đến hình thành mụn trứng cá:
- Tuổi: 90% ở độ tuổi 13-19
- Giới: trứng cá vị thành niên thường gặp ở nam, sau tuổi vị thành niên thường gặp ở nữ
- Yếu tố gia đình
- Stress: làm khởi phát hoặc bùng phát bệnh
- Chỉ số khối cơ thể: người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị trứng cá
- Thời tiết: nóng ẩm, hanh khô
- Chủng tộc: da trắng, vàng
- Thuốc: corticoid, lithium, isoniazid, thuốc có dẫn xuất nhóm halogen
- Một số bệnh lý: hội chứng Cushing, buồng trứng đa nang ...
- Mỹ phẩm
- Nghề nghiệp: tiếp xúc với ánh nắng, dầu mỡ
- Chế độ ăn: nhiều sữa và đường làm khởi phát hoặc bùng phát trứng cá
- Yếu tố tại chỗ: vệ sinh da mặt, nạn bóp, mát xa không đúng cách,...
3. Nguyên tắc điều trị
Khi bị mụn, cần nắm những nguyên tắc sau để điều trị hiệu quả:
- Điều trị dựa trên mức độ nặng của bệnh, thể bệnh, tuổi và giới tính.
- Điều trị đánh vào các yếu tố tham gia vào sự hình thành bệnh
- Điều trị gồm 2 giai đoạn: điều trị tấn công để giảm mụn và giảm biến chứng; điều trị duy trì để tránh tái phát.
- Kết hợp điều trị biến chứng càng sớm càng tốt khi có thể: sẹo lõm, sẹo lồi và tăng sắc tố sau viêm,...
4. Các phương pháp điều trị
Cần lưu ý, điều trị mụn cần phải phù hợp với mức độ nặng nhẹ, thể mụn cũng như giai đoạn bệnh, do đó cần có sự tham khảo ý kiến với bác sĩ da liễu để nhận được phác đồ điều trị phù hợp nhất, tránh tự ý dùng thuốc.
5. Chăm sóc da mụn
Chăm sóc da mụn là một việc quan trọng để kiểm soát mụn, phòng ngừa tái phát. Việc chăm sóc da cần phải được thực hiện đều đặn hàng ngày, trong đó có một số lưu ý:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng để hạn chế kích ứng và khô da, các sữa rửa mặt nhẹ nhàng không chứa xà phòng có pH khoảng 5.5-7 gần với pH bình thường của da.
- Không chà xát mạnh da mặt khi rửa, chỉ massage nhẹ nhàng bằng các ngón tay.
- Tránh các vi chấn thương lặp đi lặp lại làm kích thích hình thành nhân mụn.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, kem chống nắng không gây nhân mụn. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm dưới dạng gel và dung dịch để hạn chế bít tắc lỗ chân lông, tránh dùng các sản phẩm dạng cream.
- Không tự ý cạy nặn mụn vì nguy cơ để lại sẹo lõm, sẹo lồi.
Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
- Hạn chế đường, sữa nguyên kem.
- Tăng cường chế độ ăn giàu kẽm, acid béo omega-3, chất chống oxi hóa và chất xơ.
- Hạn chế căng thẳng, stress, thức khuya…
Khi bị mụn, đừng quá lo lắng. Điều đầu tiên là hãy tìm hiểu nguyên nhân gây mụn trong số rất nhiều nguyên nhân đã viết ở trên và khắc phục những nguyên nhân đó, có chế độ chăm sóc da hợp lý và đều đặn. Điều quan trọng hơn là không nên tự ý dùng thuốc để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.