Những con số biết nói về tác hại rượu bia
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hàng loạt quán ăn nhậu, nhà hàng,… mộc lên như nấm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó TPHCM là nơi tiêu thụ bia rượu lớn. Tại một quán nhậu trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM), PV ghi nhận cảnh một người đàn ông say nhèm, bước đi loạng choạng nhưng vẫn cố điều khiển xe máy. Người bảo vệ của quán cho biết, thường chứng kiến cảnh này hàng ngày. Nhiều vị khách nhậu nhẹt xong thì gọi taxi, xe ôm chở về, số còn lại tự điều khiển xe, ngoài ra còn chở 2, chở 3, không đội mũ bảo hiểm,… Điều này là rất nguy hiểm nếu không may gây ra TNGT.
Dẫn chứng, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) vào tháng 10. 2018 khiến dư luận xôn xao. Khoảng 23h15 khuya 21.10, sau khi dự tiệc có sử dụng rượu bia tại một nhà hàng ở quận 1, TPHCM, bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12) lái xe ô tô hiệu BMW mang biển số 51F-279.10 về nhà ở quận Bình Thạnh. Đến ngã tư Hàng Xanh, nữ tài xế để xe tông liên hoàn vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ và một chiếc xe taxi khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định bà Nga có nồng độ cồn lên đến 0,94 miligam/lít khí thở.
Không dừng lại ở đó, “ma men" dẫn lối kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được tổ chức tại tỉnh Bình Dương mới đây, bà Vũ Thị Minh Hạnh (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế), cho biết, bia rượu là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gia tăng tỉ lệ TNGT ở nam giới trong độ tuổi 15 đến 49.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TNGT liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới. Bình quân mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì TNGT. Trong đó, 4.800 trường hợp có liên quan rượu, bia... Ngoài ra, 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm tuổi dưới 30. Rượu, bia còn là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em...
“Rượu, bia còn gây hậu quả về bạo lực gia đình và tổn thất sức lao động. Khảo sát cho thấy gần 89% hộ gia đình có người sử dụng rượu, bia trong năm 2018. Việc này dẫn đến tình trạng ly hôn, rạn nứt mối quan hệ trong gia đình, bạo lực gia đình, không đảm nhận tốt công việc,…”, bà Hạnh nói.
Rượu bia tác nhân phá hoại sức khỏe
BS. CKII. Lê Kim Sang (Chuyên khoa Nội tiêu hóa và Nội soi, BV Quốc tế City TPHCM) cho biết, trong bia rượu có chứa cồn là chất độc gây hại đến cơ thể, chất cồn vào quá nhiều sẽ phát sinh các bệnh lý: rối loạn thần kinh, các bệnh về dạ dày và đặc biệt là đối với gan. Đây là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm: bệnh lý tim, mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, suy giảm miễn dịch, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính),… Đặc biệt là ung thư (khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, vú…).
Ngoài ra, rượu, bia là tác nhân gây bệnh loạn thần (tỉ lệ rất cao), hội chứng rối loạn phát triển bào thai (đang có tỉ lệ gia tăng nhanh chóng).
Tương tự, ThS BS Võ Ngọc Quốc Minh (Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, rượu bia là yếu tố nguy hiểm nhất dễ gây ra tổn thương gan và thường dẫn đến viêm gan. “Khi uống nhiều rượu bia, cơ thể xuất hiện những biểu hiện như đau bụng âm ỉ, buồn nôn, đầy bụng, chướng hơi, thậm chí là nôn ra máu,… Người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được theo dõi, chữa trị kịp thời. Ngoài ra, không nên tự ý đến các hiệu thuốc mua thuốc uống vì điều này sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn nếu bệnh không được chẩn đoán chính xác, kịp thời,…”, BS Minh khuyến cáo.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, những giải pháp kiểm soát tác hại rượu, bia cần bao quát đầy đủ các phương diện: Kiểm soát cung, kiểm soát cầu và giảm tác hại. Trong đó, chú trọng các giải pháp đã thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; kiểm soát quảng cáo, tiếp thị rượu, bia; cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; kiểm soát điểm bán, giờ bán, đối tượng mua,…