Đưa robot “đọc” xong thẻ bảo hiểm, chị D nhận được ngay số khám bệnh.
Đây là robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa do nhóm sinh viên Lương Hữu Thành Nam và Nguyễn Đào Xuân Hải (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nghiên cứu chế tạo, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa Cơ khí Chế tạo máy. Đề tài vừa đạt giải nhất Giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Lương Hữu Thành Nam cho biết: “Robot này do tụi mình nghiên cứu, chế tạo, để có thể hoàn thiện nó, mình đã xin phép BS.CK II. Nguyễn Trường Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện, triển khai thử nghiệm tất cả các tính năng tại đây, sau một thời gian mình sẽ mang về để hoàn thiện, sau đó mới kêu gọi tài trợ để thương mại hóa nó".
Theo Nam, robot ra đời với chức năng chính là hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân không mất thời gian xếp hàng chờ đợi lâu. Nó có thể làm nhiệm vụ tiếp tân, lấy số, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân đi tới những khoa chuyên biệt.
Robot này còn có khả năng chẩn đoán những bệnh cơ bản, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng dụng cụ y tế để lấy thông số bệnh lý, như: đo nhiệt độ, huyết áp của bệnh nhân để chuyển thông tin cho bác sĩ. Thậm chí, robot này còn có thể đưa ra những bài tập hướng dẫn vật lý trị liệu phù hợp với từng bệnh nhân.
Nguyễn Đào Xuân Hải cho biết thêm, trong việc giao tiếp với bệnh nhân, robot có khả năng phiên dịch, nó có thể dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Việc này giúp cho bệnh nhân ở Việt Nam không cần ra nước ngoài mà vẫn được các bác sĩ ở đây điều trị thông qua hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Hải chia sẻ: “Các bác sĩ Việt Nam có thể thông qua robot để trao đổi với các bác sĩ nước ngoài, gửi thông tin, bệnh án qua bên đó, giúp người bệnh không phải tốn nhiều chi phí đi lại”.
Ngoài ra, robot giống như một hệ thống conference (hội nghị) từ xa, có thể đặt ở những bệnh xá vùng sâu vùng xa để truyền thông tin về những bệnh viện lớn tư vấn,… Qua đó có thể hướng dẫn người dân điều trị những căn bệnh đơn giản hoặc hỗ trợ bác sĩ địa phương điều trị những ca khó.
Bạn Thành Nam nói thêm: “Nhóm nghiên cứu chế tạo robot có nhiều tính năng, nó có thể mang thuốc cũng như đến nói chuyện với bệnh nhân, lấy thông tin và gửi về cho bác sĩ thông qua giao tiếp không dây. Robot có nhiều trạng thái hoạt động, chia ra nhiều thời điểm, ví dụ vào lúc sáng thì mang thuốc đến cho bệnh nhân, xong giai đoạn đó robot lại chuyển sang trạng thái khác, như làm nhiệm vụ tiếp tân. Khi có sự điều khiển của bác sĩ, nó sẽ thoát chế độ tự động và chuyển sang chế độ điều khiển trực tiếp, phục vụ yêu cầu của bác sĩ như đến thăm hỏi một bệnh nhân cụ thể nào đó”.
Robot nhỏ, có khả năng di chuyển linh hoạt. Ngoài ra, phần mềm tương tác với bệnh nhân rất đơn giản và có khả năng hướng dẫn bệnh nhân một cách chi tiết, dễ hiểu. Sau khi thử nghiệm thành công, nhóm đã đưa robot đi dự thi Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên và đạt giải nhất.
PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: “Các em sinh viên làm việc rất tích cực, chỉ trong vòng 6 tháng đã cho ra robot hoàn chỉnh. Nhiều khi các em phải thức suốt đêm để làm cho kịp tiến độ thử nghiệm và tham gia cuộc thi".
Theo PGS. Thịnh, với mã QR trên thẻ bảo hiểm, robot có thể nhận dạng và bổ sung thông tin của bệnh nhân vào hồ sơ, vì vậy, việc đăng ký khám chữa bệnh nhanh chóng và đơn giản hơn, khắc phục tình trạng họ phải chờ đợi rất lâu như hiện nay. Ngoài ra, hồ sơ bệnh nhân cũng được số hóa, lưu vào kho dữ liệu của bệnh viện, tạo thuận lợi cho việc truy xuất khi cần.